Bảo Linh mong mỏi quy hoạch lại ba loại rừng

10:04, 20/07/2020

Bảo Linh là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện Định Hóa nhưng hầu hết lại nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng và phòng hộ. Theo cơ quan chuyên môn và thực tế tại các địa phương, việc quy hoạch ba loại rừng có nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của xã gặp rất nhiều khó khăn vì người dân thiếu tư liệu sản xuất.

Xã Bảo Linh có trên 600 hộ dân, với tỷ lệ hộ nghèo 19,2%. Xã có trên 2.100ha đất lâm nghiệp (chiếm 76% diện tích tự nhiên), tuy nhiên, diện tích rừng sản xuất chỉ có 251,3ha (chiếm 12% đất lâm nghiệp) còn lại là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Diện tích rừng sản xuất ít nên thu nhập của bà con chủ yếu vẫn dựa vào khoảng 130ha đất trồng lúa.

Gia đình ông Bàn Tài Chiến, xóm Hoa Muồng với trên 10 nhân khẩu đều trông cả vào 5 sào ruộng và hơn 1ha rừng sản xuất. Ông Chiến cho biết: Gia đình tôi đang được giao quản lý khoảng 6ha rừng, tuy nhiên chỉ có 1ha là rừng sản xuất. Cánh rừng của gia đình cách điểm di tích gần nhất cũng khoảng hơn 2km hiện vẫn đang nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, gia đình tôi không được sử dụng để trồng cây và khai thác. Thấy diện tích rừng lớn mà hầu như là đồi trọc chỉ có cây bụi và dây leo, gia đình tôi cũng đã tự bỏ 5 triệu đồng/ha để trồng rừng, phủ xanh đồi trọc nhưng chưa biết sau này có được khai thác hay không.

Không riêng gia đình ông Chiến, tại xóm Bảo Biên có khoảng 300ha rừng nhưng chỉ có trên 10ha là rừng sản xuất, còn lại được quy hoạch rừng đặc dụng. Cả xóm có 179 hộ, với 26 hộ nghèo (chiếm 14,5%) và 42 hộ cận nghèo (chiếm 23,5%), các hộ vẫn chủ yếu dựa vào canh tác 38ha đất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu các hộ này không dựa vào rừng để phát triển kinh tế thì sẽ rất khó thoát nghèo. Ông Phan Văn Tuế, Bí thư Chi bộ xóm Bảo Biên cho biết: Xóm có 2 điểm di tích là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiêm Văn phòng Quân ủy và Văn phòng Bộ tổng Tư lệnh (1949-1954). Trên thực tế, nhiều diện tích rừng đặc dụng cách rất xa so với 2 di tích này, có thể xem xét, đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng mà không làm ảnh hưởng đến bảo tồn di tích lịch sử.

Trên cơ sở kiểm tra, rà soát của cơ quan chuyên môn, xã Bảo Linh đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng với tổng diện tích gần 1.300ha, trong đó 479,3ha rừng đặc dụng và 4,4ha rừng phòng hộ sẽ quy hoạch lại thành rừng sản xuất. Ông Hoàng Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Linh cho biết: Diện tích rừng mà xã đề nghị quy hoạch lại thành rừng sản xuất đều nằm xa các khu di tích, nhiều diện tích là đồi trống, rừng trọc, khi quy hoạch lại sẽ không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bảo tồn các di tích lịch sử. Còn 4,4 ha rừng phòng hộ xã đề nghị quy hoạch lại thành rừng sản xuất cũng không nằm trong khu vực an toàn của hồ Bảo Linh.

Trao đổi với lãnh đạo Hạt Quản lý rừng ATK Định Hóa chúng tôi được biết, không chỉ riêng địa bàn xã Bảo Linh mà các địa bàn xã tập trung nhiều điểm di tích đều có bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng như: Điềm Mặc, Phú Đình, Thanh Định,… Cụ thể: nhiều khu vực nằm ở vị trí thấp, không phải đầu nguồn, không có ý nghĩa quan trọng trong việc chống xói mòn, bảo vệ đất và nguồn nước nhưng lại được quy hoạch thành rừng phòng hộ. Một số diện tích rừng xung quanh các điểm di tích nhỏ, chưa được công nhận cũng được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng dẫn đến tình trạng nhiều người dân không có đất sản xuất… Hiện nay, việc kiểm tra, rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng để phù hợp với thực tế tại địa phương đã được Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa triển khai và đang chờ kết quả đối chiếu với số liệu kiểm kê đất đai trước khi trình HĐND huyện.