Chú trọng nâng cao đời sống người dân

10:03, 29/07/2020

Hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo là những tiêu chí khó khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn như xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Tuy nhiên, nhờ các giải pháp thiết thực, cụ thể của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân trong phát triển kinh tế, đời sống của bà con nơi đây đã từng bước được cải thiện, vươn lên thoát nghèo và làm giàu...

Văn Lăng là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Đồng Hỷ khoảng 20km. Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện, xã có gần 1.400 hộ với trên 5.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 67% (đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 22%). Trăn trở lớn nhất của cấp uỷ, chính quyền địa phương là làm thế nào để người dân có cuộc sống tốt hơn, trong đó nâng cao đời sống kinh tế là trọng tâm cần giải quyết trước…

Trước những trăn trở đó, từ năm 2011 đến nay, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã Văn Lăng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đó, xã đã tích cực vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trong đó, tập trung vào phát triển chè, cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, với diện tích gần 300ha. Xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích chè trung du đã già cỗi bằng các giống chè lai cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Bát Tiên…

Cùng với đó, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và áp dụng quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, xã cũng tích cực vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng chè. Nhờ vậy, năng suất chè hiện đạt 120 tạ chè búp tươi/ha/năm (tăng khoảng 40 tạ so với năm 2011).

Anh Vũ Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP xóm Tân Thành cho biết: Cả xóm có trên 70ha chè. Từ năm 2015 trở về trước, giống chè ở xóm chủ yếu là chè trung du, khâu chăm sóc lại phụ thuộc vào nước trời vì thế mà chất lượng không cao, giá bán thấp. Cuộc sống của người dân gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo luôn chiếm từ 70-80%.

Từ năm 2016 trở lại đây, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tuyên truyền của chính quyền xã, người dân trong xóm đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng giống chè lai LDP1, gần 100% hộ trồng chè của xóm sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm và xóm đã thành lập được tổ hợp tác sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 30 hộ tham gia, trên diện tích 35ha. Nhờ đó năng suất, chất lượng chè được tăng lên. Hiện, chè búp khô của bà con trong xóm có giá bán từ 100 đến 170 nghìn đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với trước đây.

Ngoài phát triển cây chè, xã còn tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hoá. Đến nay, xã đã có 15 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm, 8 gia trại chăn nuôi lợn, 2 gia trại chăn nuôi thuỷ cầm (tăng 15 trang trại, gia trại so với năm 2011). Bên cạnh đó, trên địa bàn xã có trên 500 lao động làm việc các công ty, nhà máy với mức thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ những giải pháp cụ thể của cấp ủy, chính quyền xã và sự nỗ lực của người dân, đời sống của các hộ dân ở xã Văn Lăng ngày càng nâng lên. Hiện, thu nhập bình đầu người đạt 15,5 triệu đồng/người/năm (tăng 7,5 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 34,11% (năm 2016 là 71%). Ông Hoàng Xuân Trường cho biết thêm: Thời gian tới, xã sẽ vẫn tập trung thực hiện tiêu chí thu nhập. Bởi, khi thu nhập của người dân nâng lên sẽ có điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác.