Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, huyện Phú Lương đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, nhỏ lẻ, manh mún sang loại cây trồng phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Đây là một trong những giải pháp chủ yếu mà UBND huyện đề ra nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu trong Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Phú Lương giai đoạn 2016-2020”. Thực hiện giải pháp trên, các cấp chính quyền từ huyện đến xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân rà soát những diện tích đất lúa kém hiệu quả để làm hồ sơ chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình tự nhiên. Có thể kể đến xã Tức Tranh, từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã chuyển đổi gần 40ha đất lúa sang trồng chè, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng nguồn thu nhập cho nhân dân.
Ông Phạm Văn Dậu, xóm Quyết Tiến, xã Tức Tranh chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cấy 5 sào lúa nhưng chủ yếu là ruộng thụt, không chủ động được nguồn nước. Trung bình mỗi vụ, chỉ thu được khoảng 1,3 tạ/sào. Với giá bán 500 nghìn đồng/tạ, từ 5 sào ruộng, gia đình tôi thu được 3,2 triệu đồng/năm. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, tôi đã làm hồ sơ xin chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng chè. Hiện, mỗi năm tôi thu được 7 đến 8 lứa chè, trung bình mỗi lứa thu được 8 tạ chè búp tươi, bán được 25 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, từ 5 sào chè, gia đình tôi thu được 160 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của gia đình tôi được nâng lên, có điều kiện mua sắm thiết bị tiêu dùng trong gia đình, sửa sang nhà cửa…
Bên cạnh việc tuyên truyền, một số xã cũng chủ động phối hợp thí điểm triển khai các mô hình cây trồng khác trên những diện tích đất lúa kém hiệu quả. Cụ thể, vào tháng 3 - 2020, xã Động Đạt đã phối hợp với Công ty xuất nhập khẩu nông dược Thăng Long thực hiện Dự án “Trồng ớt xuất khẩu giai đoạn 2020 - 2025” với diện tích 2ha. Mặc dù mới triển khai nhưng hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đã thể hiện rõ rệt. Ông Trần Bảo Cẩn, xóm Đá Vôi, xã Động Đạt cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng lúa cả 2 vụ xuân và vụ mùa. Tuy nhiên, ruộng nhà tôi là đất pha cát nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi dự án được triển khai, tôi đã mạnh dạn tham gia và làm hồ sơ chuyển đổi 2,4 sào đất lúa sang trồng ớt. Cây ớt thích hợp với đất pha cát nên phát triển rất tốt, không mất nhiều công chăm sóc. Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu 3 lần, mỗi lần được 2,1 tạ ớt. Toàn bộ sản phẩm đều được Công ty xuất nhập khẩu nông dược Thăng Long thu mua với giá 10 - 13 nghìn đồng/kg. Vào mỗi dịp thu hoạch ớt, gia đình tôi còn tạo việc làm thêm cho khoảng 5 lao động địa phương.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, trong giai đoạn 2016-2019, toàn huyện đã chuyển đổi trên 400ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, giá trị thu được trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 88 triệu đồng, cao hơn mục tiêu Đề án là 8 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 12,7 triệu đồng so với năm 2015.
Huyện Phú Lương đã xây dựng kế hoạch thực hiện, phân giao chỉ tiêu diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tới 15 xã, thị trấn, phấn đấu từ nay đến năm 2025, toàn huyện chuyển đổi được 500ha, đến năm 2030 chuyển đổi được 700ha.