Biết đọc tên các loại thuốc thú y; nhận biết sớm dấu hiệu các loại bệnh thường xảy ra trên đàn vật nuôi và cây trồng; áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất - đó là những ý kiến của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Tân Hoà (Phú Bình) sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề ở địa phương. Sau thời gian đào tạo bà con đã vận dụng kiến thức đã học vào vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Ông Hoàng Văn Ngũ, dân tộc Nùng, xóm Cà là người đã từng tham gia khóa học nghề được tổ chức ở xã Tân Hòa chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thường nuôi từ 100-200 con gà/lứa và chăm sóc theo kinh nghiệm của gia đình. Nhiều khi gà bị bệnh chữa bằng lá rừng hoặc ai mách thuốc màu gì là mình mua màu đấy vì thế tỷ lệ gà sống không được cao, hiệu quả kinh tế thấp. Khi được tham gia lớp học, tôi mới biết đọc được tên các loại thuốc, cách chăm sóc gà theo từng giai đoạn, cách chăm sóc giúp gà tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại... Cùng với lý thuyết chúng tôi còn được thực hành để tìm ra nguồn bệnh. Đến nay trang trang trại của gia đình có quy mô 2.000 con, hằng năm trừ chi phí đi tôi cũng thu về trên 100 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình khấm khá hơn.
Còn anh Lý Văn Huỳnh, dân tộc Nùng ở xóm Vực Giảng chọn học nghề trồng trọt. Anh Huỳnh cho biết: Trong hơn 2 tháng tham gia lớp học, tôi đã được hướng dẫn, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về cách trồng cây theo hướng hữu cơ, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh... Từ kiến thức thu nhận được tại lớp học, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn, tôi đã vận dụng vào trồng 5 sào cây ăn quả gồm bưởi, cam và năm nay bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Ngoài ông Ngũ, anh Huỳnh, nhiều bà con đồng bào DTTS trên địa bàn xã Tân Hoà đã tham gia các lớp học nghề về nông nghiệp, từ đó nhiều hộ gia đình đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn, tạo được việc làm và tăng thu nhập cho bà con. Tính từ năm 2016 đến nay, xã Tân Hoà đã mở được 9 lớp đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn, trên 90% lao động có việc là sau khi học, trong đó lao động là đồng bào DTTS chiếm trên 60%. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà và kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 7,1%, giảm hơn 15% so với năm 2016.
Xã Tân Hoà có trên 2.000 hộ với 9.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS (Tày, Nùng) chiếm gần 50%. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà cho biết: Bà con đồng bào DTTS chủ yếu gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Do đó để công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS thực sự hiệu quả, sát với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, hằng năm xã đều chủ động khảo sát nhu cầu học nghề tại các xóm. Căn cứ nhu cầu học nghề xã đã tư vấn cho người dân học những nghề phù hợp, giúp người lao động sau đào tạo tự tạo được việc làm.
Ông Nam cũng cho biết thêm, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo hướng VietGap...