Góp ý hoàn thiện Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

17:44, 23/07/2020

Ngày 23-7, Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự có đại diện một số huyện, thành, thị, các ngành chức năng cùng một số nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị tư vấn Đề án.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng một số công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, sản phẩm hàng hóa tập trung quy mô lớn còn ít; chất lượng sản phẩm chưa cao, ít có sản phẩm chế biến sâu; hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 3,5%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng từ 100 triệu đồng (năm 2019) lên 166 triệu đồng/ha (năm 2025) và 188 triệu đồng/ha (năm 2030) đối với các sản phẩm chủ lực; xây dựng và phát triển 212 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt mức đánh giá 5 sao;tổ chức thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các HTX, các doanh nghiệp nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung Đề án. Trong đó, các ý kiến đều nhấn mạnh việc xác định các sản phẩm chủ lực gồm: chè; lúa gạo; cây ăn quả; rau, hoa; thịt lợn; thịt gà và trứng; thủy sản nước ngọt; gỗ... cần phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời, trong giải pháp triển khai thực hiện Đề án cần quan tâm tới khâu hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; bố trí đất đai và xác lập vùng sản xuất tập trung; giải pháp về nguồn vốn, tín dụng, cơ chế chính sách hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Kết luận Hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện Đề án.