Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày càng nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho các thành phần tham gia chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như thu nhập của người nông dân.
HTX rau - củ - quả xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên trước kia chỉ do các xã viên tự sản xuất, lo đầu ra cho sản phẩm nên hiệu quả chưa cao, thu nhập bấp bệnh. Từ đầu năm 2019, HTX liên kết với Công ty TNHH Nông sản Minh Vân (T.P Thái Nguyên) mọi thứ đã thay đổi. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc HTX chia sẻ: Từ khi có sự liên kết, xã viên được chỉ dẫn tỷ mỷ cách chăm sóc rau hữu cơ, vì thế sản phẩm rau luôn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, DN lại có kinh nghiệm chào bán sản phẩm nên nông sản của HTX được tiêu thụ tại các siêu thị, giá trị cũng được nâng lên. Nếu như trước kia HTX doanh thu chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng/tháng thì nay đạt trên 100 triệu đồng/tháng.
2 năm trước, ông Ngô Viết Thuật (xã Phúc Trìu) đã thành lập HTX Chè Thủy Thuật, liên kết với 8 hộ (9 thành viên) để canh tác chè hữu cơ trên diện tích rộng 20ha. Ngoài việc các xã viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè an toàn sinh học còn liên kết với nhau trong việc cung ứng sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng. Ông Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX cho hay: Cùng với sự liên kết, chúng tôi được phòng chuyên môn của thành phố tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí dán nhãn mác bao bì sản phẩm, nên chè của HTX làm ra từng bước xây dựng được thương hiệu, giá bán sản phẩm tăng từ 30-50% so với làm chè thông thường.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện nay có trên 10 mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 4 mô hình HTX, DN tự liên kết sản xuất với người nông dân không có sự hỗ trợ của Nhà nước, 6 mô hình còn lại có sự hỗ trợ từ chương trình khuyến nông. Bà Nguyễn Kim Đương, Phó Trưởng trạm Chuyển giao kỹ thuật và Dịch vụ khuyến nông tỉnh, đang phụ trách Dự án liên kết với HTX rau, hoa Thịnh Đức trồng dưa lưới công nghệ cao cho biết: Trong thực hiện liên kết chúng tôi cung ứng đầy đủ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, người nông dân góp đất và công lao động. Cái lợi ở đây là người nông dân không phải đầu tư, lo đầu ra cho sản phẩm. Còn chúng tôi không phải lo về đất đai.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, một số mô hình HTX tổ chức sản xuất liên kết vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Ninh, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thành Nam bày tỏ: Do tự đứng ra làm, tôi đều phải “mày mò” tìm hiểu cách chăm sóc cây trồng, tìm từng loại phân bón phù hợp cho từng loại cây trồng để hướng dẫn cho xã viên. Có khi trên thị trường không có loại phân cần tìm tôi lại phải đặt mua hàng qua mạng. Chăm bón nghiêm ngặt, tỷ mỷ giá thành đội lên cao nhưng giá bán cũng chỉ ngang bằng với giá các loại rau chăm sóc thông thường mà tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế cũng cho thấy, những mô hình liên kết chưa đa dạng, chỉ tập trung trong việc liên kết sản xuất chè, rau, củ quả. Do kinh phí eo hẹp, các mô hình được hỗ trợ còn ít, trong khi số HTX, DN mong muốn được hỗ trợ lại nhiều. Một số mô hình, đặc biệt mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông dân tham gia vào chuỗi liên kết còn ít, chủ yếu là cho thuê đất.
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho rằng: Sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm là một xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại mà T.P Thái Nguyên đang hướng tới. Bởi, liên kết theo chuỗi tạo ra sản phẩm hàng hóa với số lượng lớn, an toàn. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND T.P Thái Nguyên và Sở Nông nghiệp - PTNT hỗ trợ các HTX, DN để họ duy trì, mở rộng mô hình liên kết hiện có. Đồng thời triển khai thêm một số dự án liên kết mới nhằm đa dạng sản phẩm, như: Nuôi cá lồng tại hồ Núi Cốc (khu vực thuộc xã Phúc Xuân, Phúc Trìu); trồng cây thảo dược tại khu vực Làng nhà sàn Thái Hải (xã Thịnh Đức)…