Phó ban lâm nghiệp xã: Chức trách nhiều, hỗ trợ ít

08:33, 08/07/2020

Phó ban lâm nghiệp (PBLN) xã, thị trấn là một chức danh “cứng” tại những địa phương có đất lâm nghiệp và đã thành lập ban lâm nghiệp. 

Anh Nông Văn Diễn 43 tuổi, PBLNxã Nghinh Tường (Võ Nhai) đã làm nhiệm vụ này liên tục từ năm 2011, khi mức hỗ trợ chỉ được 50.000 đồng/tháng (từ năm 2014 nâng lên 500 nghìn đồng/tháng). Anh kể: Khi tôi vừa trở thành đảng viên và được bầu làm Phó Trưởng xóm Bản Chang thì Chủ tịch UBND xã và Trưởng Công an xã đến nhà vận động làm PBLN, vì người đang làm chức này bỏ việc. Tôi cũng suy nghĩ nhiều bởi được 50.000 đồng một tháng thì ít quá, nhưng vì yêu rừng nên tôi nhận.

Nghinh Tường là xã vùng cao có diện tích tự nhiên lớn (gần 8.400ha), có nhiều rừng đặc dụng nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, công việc của anh Diễn khá nhiều và vất vả. Mỗi tuần, anh trực tại UBND xã 2 ngày, thường xuyên và trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo xã về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Định kỳ hàng tháng, quý, năm anh phải làm báo cáo, xây dựng kế hoạch; chủ động hoặc thường xuyên được lãnh đạo giao đi nắm bắt tình hình rừng và đất lâm nghiệp; tham gia thiết kế, nghiệm thu rừng trồng và giám sát, hướng dẫn người dân khai thác rừng; tuyên truyền cho người dân về bảo vệ rừng, nhất là phòng cháy chữa cháy; tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất rừng… Nhưng có lẽ nhiệm vụ gian nan nhất là anh phải thường xuyên tham gia tuần tra rừng với lực lượng chức năng; phát hiện và cùng giải quyết vi phạm. Anh Diễn nói: Có những ca tuần rừng, chúng tôi đi từ sáng sớm đến tối muộn, vượt qua những khu rừng rậm, núi đá cheo leo. Mỗi ngày như thế, tôi được bên kiểm lâm hỗ trợ 50.000 đồng.

Không nhiều rừng như xã Nghinh Tường nhưng xã Liên Minh (Võ Nhai) cũng có tới trên 4.000ha đất lâm nghiệp. Chủ yếu vì phụ cấp thấp, công việc nhiều và phải đi rừng vất vả nên những người được giao làm PBLN xã tìm lý do thoái thác, xã liên tục phải tìm người thay. Gần đây nhất, sau khi PBLN xin thôi việc và không tìm được người phù hợp nên xã buộc phải giao nhiệm vụ này cho anh Lê Quốc Đạt, cán bộ khuyến nông xã. Theo quy định thì PBLN xã không do cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm, phải là người địa phương, thông thạo địa bàn nhưng anh Đạt lại thường trú tại xã Phú Thượng cách nơi công tác khoảng 15km. Anh Đạt cho biết: Tôi được Chủ tịch UBND bổ nhiệm PBLN từ tháng 5, cũng mới vào nhận công tác khuyến nông tại xã gần nửa năm nên chưa nắm rõ hết địa bàn. Thêm nhiệm vụ này sẽ vất vả nhưng vì được xã tin tưởng giao nên tôi cố gắng hoàn thành…

Theo Quyết định phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của ban lâm nghiệp xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành tháng 9-2014. Điều kiện, tiêu chuẩn và chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh PBLN xã được quy định khá rõ ràng. Mức hỗ trợ cho chức danh này thực hiện theo Quyết định 1710/QĐ-UBND ngày 4/9/2013 của UBND tỉnh, theo đó, tùy địa bàn và diện tích đất lâm nghiệp, chức danh PBLN xã sẽ được hỗ trợ từ 350-500 nghìn đồng/tháng.

Ông Vũ Đức Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cho rằng: Đội ngũ PBLN xã có vai trò quan trọng góp phần vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; là “cầu nối” giữa chính quyền và cơ quan chuyên ngành. Nếu làm hết chức trách nhiệm vụ, họ sẽ rất vất vả, nhất là với địa bàn như Võ Nhai. Mức hỗ trợ như hiện nay là thấp, chưa tương xứng với khối lượng việc và trách nhiệm của họ.

Còn ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cũng cho rằng mức hỗ trợ như hiện nay với các PBLN xã là thấp. Chi cục sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền từng bước nâng mức hỗ trợ và tăng cường tập huấn để đội ngũ này hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao./