Được triển khai từ năm 2013, đến nay, Dự án “Ngân hàng bò” ở huyện Võ Nhai đang phát huy hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã được tạo sinh kế để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, xóm An Long, xã Bình Long là hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam được trao bò đợt đầu tiên của Dự án “Ngân hàng bò” (năm 2013) cho biết: Khi nhận được bò giống sinh sản (tương đương 13 triệu đồng) từ Dự án “Ngân hàng bò” của huyện và được Ban Quản lý (BQL) Dự án phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ khi bò gặp vấn đề bệnh tật, tôi rất mừng. 1 năm sau, bò sinh bê con, gia đình đã bàn giao cho BQL để tiếp tục luân chuyển cho hộ nghèo khác. Ngoài con bê bàn giao, tính từ con giống ban đầu, đến nay tôi đã bán được 7 con bê con (với giá bán từ 10-16 triệu đồng/con). Nhờ vậy, gia đình tôi đã có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, nuôi con ăn học và đến nay đã thoát nghèo.
Bình Long là một trong những xã quản lý hiệu quả Dự án “Ngân hàng bò”. Từ con bò giống đầu tiên, đến nay xã đã luân chuyển được 12 con cho 12 hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam trong xã. Ông Long Văn Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Long (nguyên Trưởng BQL Dự án “Ngân hàng bò” của xã) nhận xét: Đây là hình thức giúp đỡ rất thiết thực, phù hợp với nguồn lực, lợi thế của địa phương. Nhờ Dự án mà đa phần các hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.
Võ Nhai là huyện vùng núi, điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Với mong muốn “tạo sinh kế” cho người dân thoát nghèo bền vững (cũng là thực hiện chủ chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), năm 2013, UBND huyện Võ Nhai đã thành lập BQL Dự án “Ngân hàng bò”. Theo đó, để có kinh phí hoạt động ban đầu, huyện đã vận động, kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trên toàn huyện tham gia ủng hộ. Ngay sau khi phát động đầu tiên, BQL Dự án nhận được khoảng 600 triệu đồng và mua được 48 con bò giống sinh sản giao đến người nghèo.
Ông Hòa Minh Toàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Trưởng BQL Dự án “Ngân hàng bò” huyện cho biết: Để dự án thực sự phát huy hiệu quả, đúng người đúng đối tượng, chúng tôi xây dựng quy trình chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể và huy động sự vào cuộc các ngành, đoàn thể. Đối tượng nhận bò là hộ nghèo, ưu tiên hộ gia đình chính sách, phụ nữ là chủ hộ và có đủ điều kiện chăn nuôi... Bò giống sau khi nuôi tại các hộ, lứa đẻ đầu tiên, nếu là bê cái sau 6 tháng tuổi thì chuyển giao cho hộ nghèo khác (nếu là bê đực sẽ bán để mua bê cái thay thế). Sau lứa trao bê đầu tiên, gia đình sẽ hoàn toàn sở hữu bò giống được trao. Sau khi nhận bò, các hộ dân được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản do BQL Dự án ‘Ngân hàng bò” phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức...
Từ 48 con bò giống ban đầu, đến nay Dự án “Ngân hàng bò” huyện Võ Nhai đã luân chuyển lên hơn 150 con bò cho người nghèo của 15 xã, thị trấn. Trong số đó, có gần 100 hộ nhận bò đã phát triển chăn nuôi hiệu quả và thoát nghèo. Dự án “Ngân hàng bò” tại huyện không chỉ cho thấy hiệu quả thiết thực giúp các hộ nghèo mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.