Từng bước tái đàn khôi phục chăn nuôi

07:47, 11/07/2020

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế và không có dấu hiệu tái phát. Đây là điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất, góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường. Tuy nhiên, việc tái đàn cũng được các hộ tiến hành thận trọng nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Vừa bán được 60 con lợn thịt với trọng lượng khoảng 110kg/con, giá bán trung bình 90.000 đồng/kg, gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, ở xóm Ngò Thái, xã Tân Đức (Phú Bình) thu về gần 600 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi đã phải tiêu hủy 7 tấn lợn. Đến cuối năm 2019, khi dịch đã tạm lắng, gia đình tôi khẩn trương tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại và dần khôi phục chăn nuôi. Đến nay, trong chuồng nhà tôi có 60 con lợn nái và trên 200 con lợn thịt, tương đương với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại và tăng quy mô chăn nuôi lợn lên gấp đôi so với hiện nay…

Cùng với việc tập trung tái đàn, duy trì sản xuất, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh. Anh Mai Anh Nguyên, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) chia sẻ: Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, gia đình tôi đã sửa sang chuồng trại và phân chia thành các ô nhỏ. Nếu như trước đây, một dãy chuồng dài tôi nuôi vài trăm con lợn thì nay đã chia nhỏ ra từng ô, mỗi ô chỉ nuôi khoảng 20-30 con để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nuôi theo hình thức chuồng kín, có quạt thông gió nên bên trong chuồng luôn mát mẻ và ngăn chặn được sự xâm nhập của các loại côn trùng (như chuột, gián). Trung bình mỗi tuần, nhà tôi phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại 2 lần, xung quanh các lối ra vào đều có rắc vôi bột và có vũng nước khử trùng. Ngoài ra, nhà tôi cũng tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng dịch cho đàn lợn.

Trang trại của gia đình anh Mai Anh Nguyên, ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) hiện đang nuôi trên 1.000 con lợn thịt.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, hiện nay, mặc dù giá thịt lợn vẫn ở mức cao, trung bình 90.000 đồng/kg lợn hơi nhưng các hộ chăn nuôi trên địa bàn không tái đàn ồ ạt mà rất thận trọng. Các địa phương trong tỉnh cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không nóng vội tái đàn tràn lan mà phải bảo đảm an toàn, lưu ý chọn con giống đạt chất lượng, mua ở những cơ sở có uy tín. Đồng thời, khuyến cáo bà con thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại theo định kỳ. Thực tế cho thấy, việc tái đàn nếu áp dụng đúng các biện pháp bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, đàn lợn sẽ phát triển ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo công tác tái đàn và khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ. Đến thời điểm này, tổng đàn lợn toàn huyện đạt trên 100 nghìn con, đạt 70% kế hoạch. 

Còn ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan, chúng tôi đã và tăng cường giám sát chặt chẽ các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong điều kiện các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Với sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương và bà con nông dân, ngành chăn nuôi đang dần hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, theo số liệu thống kê của đơn vị chức năng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đạt 71 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Nếu chia theo quý, sản lượng thịt lợn hơi quý II/2020 đạt 19 nghìn tấn tăng 41,8% so với cùng kỳ. Mục tiêu của ngành Nông nghiệp đặt ra trong năm 2020 là: Phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt 147.500 tấn; giữ ổn định đàn gia súc, gia cầm với đàn trâu 51.500 con, đàn bò 43.500 con, đàn lợn 650.000 con, đàn gia cầm 14 triệu con. 100% trang trại chăn nuôi lớn bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, khống chế dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến vật nuôi và có nguy cơ lây sang người. Tỉnh cũng xác định sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi những năm tiếp theo vẫn là lợn và gia cầm, cung cấp thịt, trứng phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh…

Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngành Nông nghiệp khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sử dụng dây chuyền khép kín, hiện đại, sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao trong chăn nuôi (như lợn Landrace, Yorshine). Cùng với đó, liên kết hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; có cơ chế hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở những trang trại, vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn…