Trên địa bàn huyện Phú Bình, diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) khá lớn (trên 500ha), trong đó có 106 công trình hồ, đập lớn nhỏ. Khai thác, phát huy lợi thế này, những năm qua, nhiều hộ dân địa phương đã phát triển NTTS nước ngọt, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Nhận thầu đập Rừng Táo với diện tích mặt nước 1ha ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt để nuôi thả cá từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Phan Văn Thắng thu được từ 35-45 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Thắng cho biết: Tùy vào lượng nước trong đập, mỗi năm tôi thả khoảng 4-5 tạ cá giống các loại như trắm, trôi, mè, rô phi.... Nhà tôi thường nuôi thả cá theo hình thức bán thâm canh, tận dụng các loại thức ăn tự nhiên cho cá, sau khoảng 1 năm thì được thu hoạch.
Tại xã Bàn Đạt, không chỉ có gia đình anh Thắng mà nhiều hộ dân khác cũng đã tận dụng, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước hồ, đập để NTTS nâng cao thu nhập. Theo ông Đặng Khắc Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã, địa phương có 16 hồ, đập nhỏ với tổng diện tích mặt nước khoảng 29ha. Các hồ, đập được xã giao cho cấp xóm quản lý, khai thác, các xóm lại cho người dân nhận thầu để vừa trông nom, bảo đảm tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng, vừa kết hợp NTTS, thủy cầm, góp phần phát triển kinh tế. Đến nay, 100% các hồ, đập trong vùng đều đã được người dân nhận thầu để chăn nuôi cho thu nhập ổn định…
Không chỉ khai thác nguồn lợi sẵn có, nhiều hộ gia đình còn chủ động đào ao thả cá, chuyển đổi hình thức phát triển kinh tế tổng hợp VAC, đem lại hiểu quả kinh tế cao. Qua đó, nâng tổng diện diện tích NTTS của xã từ 14ha (năm 2010) lên 50ha (năm 2019), bình quân thu nhập người dân đã tăng từ 17,5 triệu (năm 2015) lên 36 triệu đồng năm 2020. Năm 2016, xã có tỷ lệ hộ nghèo là 26,79%, đến nay giảm còn 11,31%.
Gia đình anh Phan Văn Vĩnh, ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt (Phú Bình) nuôi thả cá trong ao rộng 1.000m2, mỗi năm thu lãi từ 40-50 triệu đồng.
Khác với người dân xã Bàn Đạt, để phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, 13 hộ NTTS ở xã Tân Kim (tại các xóm Thòng Bong, Đồng Chúc, Núi Chùa, Bạch Thạch, Mỏn Hạ) đã liên kết lại, thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ NTTS Kim Đĩnh, phát triển NTTS theo hướng tập trung.
Ông Phạm Văn Ty, Giám đốc HTX chia sẻ: Được UBND xã Tân Kim khuyến khích và tạo điều kiện xây dựng vùng sản xuất tập trung, chúng tôi đã tiến hành dồn đổi ruộng với các hộ dân khác trong xã, lấy các thửa liền kề nhau gần đập thủy nông Tân Kim để thuận tiện cho việc lấy nước. Với tổng diện tích 13ha tập trung, các thành viên trong HTX đã NTTS theo phương pháp “3 chung”: chung giống, chung kỹ thuật và chung trọng lượng; nuôi thả các loại giống cá có giá trị kinh tế cao như trắm, rô phi đơn tính, chép lai; đầu tư các máy móc như máy tạo ô-xy công suất lớn; máy cho ăn tự động…
Nhờ đó, sản phẩm khi xuất bán bảo đảm đồng đều về chất lượng, trọng lượng. Trung bình mỗi sào mặt nước, các thành viên thu được trên 7 tạ cá thương phẩm, gấp từ 2 đến 2,5 lần so với phương pháp nuôi truyền thống trước kia. Đến lứa, thương lái ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều gọi điện đặt hàng trước, về tận nơi thu mua sản phẩm của HTX với số lượng lớn, năm 2019, lợi nhuận của HTX đạt trên 1,5 tỷ đồng…
Ông Dương Văn Đông, xóm Đồng Chúc, thành viên HTX phấn khởi nói: Nhà tôi có 7 sào, trước thường thả cá nuôi tự do nên hiệu quả không cao. Từ khi vào HTX, áp dụng nghiêm ngặt chăn nuôi đúng quy trình, trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán được 3,5 tấn cá, doanh thu trên 100 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của huyện Phú Bình, toàn huyện có 533ha diện tích NTTS (tăng 68ha so với năm 2010) tập trung chủ yếu ở các xã Tân Khánh, Tân Hòa, Tân Kim, Bàn Đạt, Tân Đức… Những năm qua, người dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi từ hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi ghép sang nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh với nhiều giống cá cho năng suất cao. Qua đó, góp phần đưa sản lượng thủy sản giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,48%/năm.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình thông tin: NTTS đang là hướng đi ổn định của một số hộ chăn nuôi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do diện tích NTTS trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, chưa hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, trong khi đó, thế mạnh của huyện vẫn là chăn nuôi gia súc, gia cầm nên lĩnh vực này hiện chưa nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của các hộ. Để giúp người dân phát triển kinh tế, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác những tiềm năng, lợi thế về mặt nước để phát triển NTTS; rà soát, định hướng, giúp người dân xây dựng mô hình phù hợp từng loại diện tích mặt nước canh tác; tăng cường các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật NTTS ngắn ngày; khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết với nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người NTTS.