“Tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì câu chuyện đưa ra chỉ tiêu về diện tích gieo trồng không còn nhiều ý nghĩa mà thay vào đó là giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác”. Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên chia sẻ với chúng tôi như vậy về phát triển nông nghiệp trên địa bàn.
Do quá trình đô thị hóa, mỗi năm T.P Thái Nguyên mất đi khoảng 30-50 ha đất nông nghiệp phục vụ cho phát triển hạ tầng đô thị, Hiện, T.P Thái Nguyên chỉ còn gần 11.000ha đất nông nghiệp để trồng lúa, hoa màu và cây ăn quả. |
Thực tế cho thấy, trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày càng nhiều người người dân làm nông nghiệp nhanh nhạy, biết nắm bắt thị trường tạo ra những sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Có dịp đến thăm mô hình trồng lan, cây cảnh của gia đình chị Lưu Thị Tuyết, tổ 2, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự đầu tư công phu cho mảnh vườn rộng trên 6.000 m2 của chị. Khu đất ở giữa được chị Tuyết đào ao thả cá, xung quanh bố trí trồng cây cảnh và hoa lan. Đặc biệt, những giàn lan được thiết kế giá đỡ hàng chục tầng được trồng các loại lan quý hiếm.
Chị Tuyết cho biết “Tôi trồng cây cảnh được khoảng 10 nay. Năm 2017, nhận thấy phong trào chơi lan rộng khắp và dễ kiếm lợi nhuận, tôi đầu tư thêm 6 tỷ đồng để trồng lan quý trên diện tích 300m2, trong đó tôi dành 100m2 trồng lan đột biến. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay tôi đã thu lời từ vườn lan và cây cảnh đạt khoảng 6 tỷ đồng”.
Cũng câu chuyện về làm nông nghiệp, anh Hoàng Lê Việt, tổ 4, phường Thịnh Đán lại trồng hoa Đỗ quyên. Vốn là cán bộ nông nghiệp, khi về nghỉ hưu, anh Việt đã cải tạo khoảnh đất vườn rộng gần 2.000 m2 để trồng hoa Đỗ quyên bán. Hiện tại, trong vườn của anh hiện đang có 500 chậu hoa cỡ lớn, trị giá từ 5-7 triệu đồng/chậu; 2.000 chậu hoa cỡ nhỏ, trị giá từ 200-500 nghìn đồng/chậu. Anh Việt cho biết, nhờ vào trồng hoa Đỗ quyên, mỗi năm gia đình anh thu về từ 200-250 triệu đồng.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngoài những mô hình trồng hoa, cây cảnh với diện tích đất không lớn nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế cao như trường hợp của chị Tuyết, anh Việt thì những nông dân thuần túy ở các xã vùng ven trung tâm cũng đã dần thay đổi tư duy, loại bỏ cây trồng truyền thống đem lại giá trị kinh tế thấp như: lạc, đỗ, vừng… để thay thế các loại cây trồng có giá trị trên diện tích lớn, tập trung. Bởi vậy, trên địa bàn thành phố hình thành ngày càng nhiều các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, như: Vùng sản xuất rau an toàn, hoa tươi tại các xã Huống Thượng, Linh Sơn, Đồng Liên, Thịnh Đức; vùng trồng cây ăn quả tại xã Thịnh Đức, Đồng Liên, Linh Sơn.
Hiện nay trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày cành nhiều mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Anh Vũ Mạnh Toàn, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn thu hoạch dưa lưới trồng trong nhà kính.
Nhiều hợp tác xã, làng nghề cũng đã ra đời để gắn kết với nhau trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn cũng đã có 73 hợp tác xã phát triển nông nghiệp, 1 làng nghề trồng hoa đào, 1 làng nghề sinh vật cảnh. Các hợp tác xã, làng nghề đều hoạt động chất lượng, hiệu quả. Chủ tịch UBND phường Cam Giá, ông Trần Văn Bình cho hay, Làng nghề hoa đào Cam Giá mỗi năm giúp các hội viên thu về khoảng 60 tỷ đồng. Hay Làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng các hộ trồng cây cảnh thu nhập tiền tỷ mỗi năm không phải là hiếm.
Nhằm hỗ trợ nông dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao, trong những năm qua, các phòng, ban chuyên môn của T.P Thái Nguyên cũng đã tích hỗ trợ nông dân đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất. Như, triển khai mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình hoa chất lượng trong nhà kính tại phường Đồng Bẩm, xã Huống Thượng; chuyển giao khoa học kỹ thuật để các hợp tác xã chè sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; một số vùng sản xuất lúa trọng điểm triển khai cánh đồng một giống bằng các giống lúa năng suất, chất lượng…
Nhờ vào việc thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp của người dân và sự hỗ trợ từ phía tỉnh và thành phố, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thành phố đã dần chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Giá trị sản xuất trên một diện tích đất nông nghiệp cũng tăng theo từng năm, nếu như, năm 2019, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt chỉ đạt 90 triệu đồng/năm thì đến năm 2020 đã đạt 135 triệu đồng/năm.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, trong giai đoạn 2020-2025, T.P Thái Nguyên định hướng tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến trong phát triển nông nghiệp; duy trì và hình thành thêm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, trong đó xác định chè là cây trồng chủ lực; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, làng nghề phát triển nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, đưa giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt trên địa bàn đạt 180 triệu đồng/năm.