Về Phúc Tân thăm "Ngôi làng hy vọng"

07:38, 25/08/2020

“Ngôi làng hy vọng” là tên của Dự án do Tổ chức Global Civic Sharing (GCS) - một tổ chức phi chính phủ quốc tế thực hiện tại xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên). Dự án khởi động từ tháng 7-2017 và sẽ kết thúc vào tháng 11-2020. Ông Trần Như Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Tân, Trưởng Ban Quản lý Dự án cho biết: Dự án đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trong xã. Giấc mơ nhà có “đầu cơ nghiệp” đã trở thành hiện thực với hộ nghèo.

Thành viên của “Ngôi làng hy vọng” gồm 36 hộ dân, trong đó có  30 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Bà Tạ Thị Hồng Thắm, điều phối viên tại Thái Nguyên chia sẻ: Mục đích của Dự án là hỗ trợ cho người dân về khoa học kỹ thuật, kỹ năng sản xuất tiên tiến và vốn đầu tư cho sản xuất. Tạo cơ hội cho người dân đủ tiềm lực để vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hướng tới làm giàu chính đáng. Mỗi hộ dân được vay 26 triệu đồng để mua trâu sinh sản, với lãi suất 2%/năm.

Biết chúng tôi về thăm, ông Trần Ngọc Phái, một chủ hộ trong ngôi làng này nói: Năm 2019, gia đình tôi đã xây được nhà ở và hiện không còn “lưu” tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Nói xong, ông dẫn chúng tôi vào khu rừng trong khe Bà Sách. Phóng mắt nhìn vào bạt ngàn xanh, đứng lặng nghe ngóng một hồi chợt thấy tiếng chuông leng reng cùng tiếng nghé gọi trâu mẹ. Ông Phái bụm tay lên miệng, bắt trước theo tiếng gọi của nghé con, một lát đã thấy rầm rập tiếng chân của 3 con trâu lại gần chủ đòi ăn muối. Ông Phái cầm sợi thừng mũi trâu mẹ, đoạn xoa nhẹ tay lên đầu nó để trò chuyện, thân thiện như đang nói với một người bạn.

Năm 2017, ông nhờ thương lái đến xã Bình Sơn (T.P Sông Công) mua được 1 cặp trâu, gồm trâu mẹ và nghé cái 6 tháng tuổi hết 30 triệu đồng. Lúc đó, nghé con đứng ngang bụng trâu mẹ, nhưng đến nay đã lớn phổng, to vạm hơn trâu mẹ. Còn trâu mẹ giữ nguyên dáng và sinh nở thêm nghé em, đến nay cũng đầy 6 tháng tuổi. Đã có nhiều thương lái đến nhà đặt tiền mua 3 con trâu này với giá 100 triệu đồng, riêng 1 con trâu cái đang độ động dục được trả giá 45 triệu đồng. Nhưng ông không bán “đầu cơ nghiệp” của mình, bởi đó là mơ ước mà vợ chồng ông gầy dựng suốt mấy mươi năm.

Không riêng ông Phái, mà 100% số hộ thuộc “Ngôi làng hy vọng” đã đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản thành công, tức là trâu của 100% số hộ đã cho sinh lời. Ông Trần Văn Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiêm Phó Ban Quản lý Dự án tâm đắc: Tổ chức GCS triển khai vốn rất bài bản. “Họ” lựa chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng phải bảo đảm các điều kiện như có trí tuệ bình thường, có sức khỏe, có người chăm trâu và có tiền vốn xây dựng chuồng trại. “Họ” sâu sát, gần gũi với các công dân của “Ngôi làng hy vọng”.

Bà Kim Sun Hee, Phó Trưởng Đại diện Tổ chức GCS Hàn Quốc tại Việt Nam đã 2 lần về xã. Bà trực tiếp đến một số hộ nghèo để trao đổi, tìm hiểu xem gia đình nông dân đang cần giúp đỡ những gì. Và sau khi các hộ mua trâu, “họ” cho người đến tận nhà thẩm định lại về chất lượng, giá trị con trâu và tư vấn thêm về cách nuôi trâu sinh sản đạt hiệu quả. Rất mừng là các hộ tham gia chăn nuôi trâu sinh sản đều có ý thức chấp hành tốt. Qua khảo sát, ngoài số tiền 26 triệu đồng được vay từ Dự án, 100% số hộ đều đã tự đầu tư thêm từ 5 đến 15 triệu đồng cho mua trâu giống; làm chuồng và trồng cỏ nuôi trâu.

Đang mùa mưa, rừng như xanh hơn, cỏ cây cho chăn nuôi gia súc cũng tươi tốt hơn. Ông Trương Thanh Quý, cư dân của “Ngôi làng hy vọng” chia sẻ: Trước lúc nhận tiền của Dự án đi mua trâu, chúng tôi được tham gia tập huấn gần 10 ngày về kỹ thuật chăn nuôi trâu, như chọn giống, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh… nên gia đình tôi tự tin mua liền lúc cặp trâu mẹ con. Đến nay, trâu đã đẻ thêm 1 con nữa. Gặp bên bìa rừng, ông Nguyễn Văn Tuyên đang lúi húi theo đàn trâu 3 con của nhà. Ông Tuyên khoe: Tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua cặp trâu mẹ con về nuôi. Sau 1 năm, trâu mẹ đẻ thêm 1 nghé nữa, nếu bán “3 mẹ con nhà nó” cũng được trên 100 triệu đồng. Chuyện nuôi trâu, bà Trần Thị Song chia sẻ: Khi các hộ mua trâu cái sinh sản, thì tôi lựa chọn mua trâu đực sinh lời. 3 năm trước, tôi mua con trâu mộng này với giá hơn 20 triệu đồng, nay lái trâu đến nhà đặt mua lại với giá  55 triệu đồng tôi chưa muốn bán.

Mở cuốn sổ tay ghi chép tình hình, diễn biến của các hộ tham gia “Ngôi làng hy vọng”, ông Ngọc cho biết thêm: Tổng số trâu tham gia Dự án có 36 con, sau 3 năm, số lượng đàn trâu tăng lên 54 con, và hiện 15 con trâu đang có bầu chuẩn bị sinh nghé. Để bảo đảm an toàn cho đàn trâu, hằng tháng, Ban Quản lý Dự án xã phân công cán bộ đến từng nhà kiểm tra, nắm bắt tình hình hiện trạng, động viên các hộ giữ gìn vệ sinh chuồng trại, bảo đảm mùa hè thoáng mát; mùa đông ấm áp; không để trâu mắc bệnh; chấp hành tiêm phòng cho trâu theo định kỳ vào tháng 3, tháng 9 hằng năm. Do vậy đàn trâu con nào cũng béo tốt, không bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Nhờ nuôi trâu hiệu quả, nên trong tổng số 36 hộ của ngôi làng này đã có 25 hộ thoát nghèo, trong đó có 12 hộ vươn lên kinh tế khá. Điển hình như hộ ông Lê Văn Mạnh; hộ ông Trần Văn Công và hộ ông Đặng Văn Thành.

Dù từ nhiều năm nay đồng ruộng được cơ giới hóa, con trâu không phải giúp nông dân kéo cày, nhưng vẫn được coi là “đầu cơ nghiệp”; là bạn của nhà nông. Với mong muốn đàn trâu sẽ sinh lời lớn hơn, nên các cư dân của “Ngôi làng hy vọng” đều muốn giữ lại số trâu mình đã có để tiếp tục tăng đàn. Còn số tiền nợ ban đầu, bà con cam kết trả cả gốc, lãi cho Dự án đúng kỳ hạn. Khi được hỏi vì sao không bán trâu mà vẫn có tiền trả? Nhiều người tự tin cho biết: Dự án “Ngôi làng hy vọng” đã làm đời sống của người nghèo thay đổi. Vì ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi trâu sinh sản, “họ” còn dạy cho bà con cách thiết kế vườn bãi, kỹ thuật trồng chè, trồng cây ăn quả và kinh nghiệm làm vườn. Nhờ đó tư duy sản xuất của bà con thay đổi. Mỗi nhà đều có thêm nguồn thu nhập chính đáng từ các sản phẩm trồng trọt để trả cho Dự án. Còn con trâu, bà con giữ nhân đàn, khi nhà có việc lớn mới xuất bán.