Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

09:34, 01/09/2020

Những năm qua, cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được bà con nông dân trên địa bàn tỉnh chú trọng. Qua đó, góp phần bảo đảm khung thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh gieo trồng gần 60.000ha lúa, 14.000ha rau, hơn 10.000ha ngô và hàng nghìn héc-ta cây công nghiệp khác. Nếu như trước đây, vào vụ canh tác, bà con phải mất rất nhiều thời gian và công sức từ khâu làm đất, gieo trồng cho đến thu hoạch, thì nay, một số công đoạn đã được ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí và ngày công lao động.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè xanh mướt đang đến kỳ thu hoạch, bà Phạm Thị Nhi, ở xóm Long Giàn, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) chia sẻ: Trước đây, vào mùa khô, nhà tôi phải nối đường ống nước khắp nương chè để bơm nước tưới thì nay tôi chỉ cần đóng cầu dao điện và bơm bất cứ lúc nào, rất tiện lợi mà không mất nhiều công sức, vừa có thể làm chè vụ đông, cho thu nhập cao gấp 1,5 lần. Ngoài ra, công đoạn sao chè, vò chè, đóng gói hút chân không cũng được thực hiện bằng máy, giữ hương vị chè được lâu.

Còn bà Ngô Thị Tựa, ở tổ dân phố Giữa, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) thì cho biết: Gia đình tôi có 7 sào đất nông nghiệp. Trước đây, để chuẩn bị đất cấy, nhà tôi phải sử dụng trâu, bò để cày, bừa mất gần một tuần mới xong. Vài năm trở lại đây, có máy cày bừa, chỉ sau hơn 2 tiếng đồng hồ là có thể gieo cấy; đến lúc thu hoạch cũng có máy gặt đập liên hợp. Nhờ vậy, giúp giảm chi phí nhân công và tiến độ cũng nhanh hơn, việc xuống giống hoặc thu hoạch được kịp thời, đảm bảo đúng khung thời vụ.

Không chỉ riêng ở Đồng Hỷ, Phú Bình, mà hiện nay, bà con nông dân ở các địa phương khác trong tỉnh đều chú trọng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đơn cử như tại T.X Phổ Yên, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã đã và đang phối hợp với Công ty CP Đại Thành (Bắc Giang) triển khai mô hình phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái. Ưu điểm khi sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật là người nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc khi phun; đồng thời, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với phun bằng tay hoặc bình động cơ...

Hay tại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), một số hộ dân cũng đã tự mày mò, thiết kế những chiếc máy phun thuốc trừ sâu có cần dài gần 10m và có thể điều khiển tự động để phun mà người dân không cần khoác bình thuốc sâu trên vai. Ở các huyện miền núi như Định Hóa, Võ Nhai, bà con đã từng bước đầu tư các loại máy như: Máy tách hạt ngô, máy cắt cỏ, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy sấy nông sản… để phục vụ sản xuất. Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.500 máy kéo các loại; hơn 3.000 xe vận chuyển nông sản nhỏ; hơn 50.000 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ điện và động cơ xăng; gần 9.000 máy đốn chè, máy bơm nước, máy sao chè… và nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp khác.

Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng máy móc đạt 80-90% so với tổng diện tích đất canh tác; khâu thu hoạch lúa tỷ lệ cơ giới hóa đạt 35-40%; khâu vận chuyển nông sản lỷ lệ cơ giới hóa đạt 85-90%. Đối với cây chè, bà con áp dụng cơ giới hóa trong khâu đốn chè đạt 90%; hái chè bằng máy đạt khoảng 20%, tưới cho cây trồng đạt 60%; vận chuyển vật tư, nông sản đạt 90%...

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Chi cục đã hỗ trợ bà con mua các loại máy như: máy nghiền thức ăn, máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy cắt cỏ… với tổng số trên 150 chiếc, kinh phí hỗ trợ là hơn 946 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục cũng tổ chức 2 lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp cho gần 100 học viên tham gia. Để thúc đẩy phát triển cơ giới hóa trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch; đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất như theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.