Ngành chè năng động vượt khó

08:08, 18/09/2020

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hộ dân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng này, nhiều DN, HTX đã năng động, linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.

Trước đây, trung bình mỗi năm Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) thường sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên 100 tấn chè búp khô. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên Công ty mới sản xuất, chế biến được gần 40 tấn. Về sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính của Công ty (như trà lắc, trà ô long, chè đen…) giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù đã có mặt tại 2.800 siêu thị ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, siêu thị phải tạm thời đóng cửa khiến việc tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm, Công ty chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất. Cụ thể, đối với các dòng sản phẩm của Công ty đều được khuyến mại, giảm giá từ 15-30%. Bên cạnh đó, Công ty cũng cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đơn cử, hiện nay, Công ty đang tập trung phát triển sản phẩm trà lắc, được làm dưới dạng túi lọc, thành phần gồm có chiết xuất diệp lục tố trà xanh, có bổ sung cỏ ngọt, cát sâm, mật ong… Trà lắc rất tiện lợi, dễ sử dụng, không cần pha nước nóng mà thả túi lọc vào cốc nước lạnh, sau đó lắc đều là có thể sử dụng với hương vị đặc trưng nên hiện đang được giới trẻ rất ưa chuộng. Ngoài các kênh phân phối truyền thống là hệ thống siêu thị, Công ty còn mở các điểm bán trà lắc trên đường phố, cạnh các khách sạn, trung tâm thương mại để quảng bá sản phẩm.

Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái (ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) sử dụng máy đóng gói sản phẩm trà túi lọc. Ảnh: L.H 

Đối với HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để duy trì vùng nguyên liệu và ổn định sản xuất, HTX vẫn thu mua chè của bà con từ 60-70 tấn chè búp tươi/tháng, tuy nhiên, sản lượng bán ra giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt cho biết: Chúng tôi hiện có 5ha chè và liên kết sản xuất với bà con nông dân trong xã với tổng diện tích 30ha. HTX vẫn thu mua chè của bà con với giá cả ổn định theo như hợp đồng đã ký kết. Đặc biệt, HTX đã thuê 1 kỹ sư nông nghiệp để hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, bón phân cho cây chè đúng thời điểm, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP… Hiện nay, các sản phẩm chè của HTX đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, với mức giá bán thấp nhất là 200 nghìn đồng/kg, cao nhất là 2,5 triệu đồng/kg.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có trên 22.300ha chè, trong đó tỷ lệ chè giống mới có năng suất, chất lượng cao chiếm trên 77%. Thời gian qua, do đẩy mạnh đầu tư thâm canh và sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, giá trị sản phẩm sau chế biến đã đạt bình quân 250-300 triệu đồng/ha, ở một số vùng chè đặc sản đạt từ 450-600 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Từ cây chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa thể trở lại bình thường khiến một số DN, HTX xuất khẩu chè gặp khó.

heo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 8, sản lượng chè xuất khẩu các loại đạt 49 tấn với giá trị đạt 60 nghìn USD, chỉ bằng 45,4% về lượng và bằng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ. Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh: Ưu tiên lớn nhất của các HTX, DN sản xuất, chế biến chè trong thời điểm này là khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời, tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, vốn ưu đãi để đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất, phát triển các dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với các HTX, DN có thị trường tiêu thụ nội địa là chủ yếu, không chịu nhiều ảnh hưởng do gián đoạn hoạt động xuất khẩu nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm. Hiện nay, các đơn vị này cũng đang đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua Website điện tử, hay mạng xã hội như: Facebook, Zalo… Cùng với đó, tập trung phát triển các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong nước. Đơn cử như tại HTX Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương), bên cạnh các mặt hàng truyền thống là chè đen, HTX còn sản xuất kẹo trà xanh, bột matcha từ chè. Hay tại HTX Tâm Trà Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), HTX đã năng động kết những túi chè nhỏ thành bó hoa trà thay cho hoa tươi để tặng khách hàng, cơ quan, đơn vị trong các hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập... Vừa độc đáo, vừa đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng đã chế biến, phối trộn chè với nhiều loại thực phẩm, thảo dược có lợi cho sức khỏe như: Trà hoa cúc, trà actiso, trà gừng mật ong… đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Như vậy có thể khẳng định, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng các DN, HTX sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đã năng động, linh hoạt chế biến các sản phẩm chè an toàn, đảm bảo chất lượng cả trong nước cũng như xuất khẩu. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các DN, HTX tận dụng được các cơ hội - đặc biệt là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực hiện - để mở rộng thị trường xuất khẩu.