Những năm qua, phát triển chăn nuôi đại gia súc được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường mà còn góp phần nâng cao giá trị của ngành Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi động vật bản địa ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương) được thành lập năm 2016, hiện đang nuôi 60 con ngựa bạch, 300 con lợn rừng, 100 con hươu sao và trên 100 con dê. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Đình Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: Chăn nuôi đại gia súc có lợi thế là chúng chủ yếu ăn cỏ, tốn ít chi phí, dễ chăm sóc mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Vừa cung cấp con giống vừa nuôi thương phẩm, mỗi năm HTX cũng có doanh thu trên 600 triệu đồng.
Tìm hiểu thực tế, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc như: địa hình chủ yếu là đồi núi có thể tận dụng để chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và các nhà máy, xí nghiệp, nhu cầu về thực phẩm lớn. Thời gian qua, tỉnh đã khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh đã có sự dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nếu như trước đây, bà con chăn nuôi chủ yếu làm sức kéo thì nay đa phần để bán thịt và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Trung bình 1 con bê, sau 2 năm nuôi thương phẩm, bà con bán được với giá trên 30 triệu đồng. Nếu mỗi hộ nuôi trung bình 5 con, sau 2 năm cũng có thu nhập 150 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống. Vì thế, đàn trâu cũng đã giảm dần về số lượng, còn đàn bò không ngừng tăng.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 43.700 con bò, tăng 3,1%; gần 47.000 con trâu, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, giống bò lai hiện đạt tỷ lệ 60% tổng đàn, tăng 25% so với năm 2015. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân cũng bắt đầu thay đổi. Tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Võ Nhai, Định Hóa, trước đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, khó kiểm soát dịch bệnh thì nay bà con đã áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt, xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, bà con đã sử dụng thức ăn công nghiệp, áp dụng biện pháp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.
Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp không ít khó khăn, như: Chưa có thị trường đầu ra ổn định; giá cả lên xuống bấp bênh; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ...
Khắc phục những khó khăn này, tỉnh đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc phát triển. Hằng năm, tỉnh đều có cơ chế khuyến khích bà con sử dụng giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Cụ thể như năm nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ thụ tinh nhân tạo 5.000 liều tinh bò lai Zebu sản xuất trong nước, 2.000 liều tinh bò giống nhập khẩu và hỗ trợ đào tạo, tập huấn mạng lưới cung ứng tinh, thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò. Đồng thời, hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng các bệnh lở mồm long móng, tụ tuyết trùng cho đàn trâu, bò…
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trang trại phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng công nghiệp.
Trong chuyến công tác tại Thái Nguyên vào tháng 8-2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh, Thái Nguyên còn nhiều dư địa để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm để hướng tới xuất khẩu.