Những năm qua, xã Ký Phú (Đại Từ) đã triển khai, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo kế hoạch, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V của tỉnh sẽ được tổ chức cuối tháng 9 này. Để góp phần tuyên truyền phục vụ Đại hội, tạo sức lan tỏa của các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, từ hôm nay 11-9, Báo Thái Nguyên mở chuyên mục “Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V của tỉnh”. Mời độc giả đón đọc và đóng góp ý kiến qua địa chỉ e-mail: Bandoc@baothainguyen.vn Ban Biên tập Báo Thái Nguyên |
Cuộc sống của gia đình ông Lưu Văn Hạnh, xóm Chuối sẽ mãi bình bình với cây lúa, cây ngô nếu năm 2016, ông không mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá lồng trên hồ Vai Miếu. Ông Hạnh chia sẻ: Hưởng ứng phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, tôi xác định, phải tìm hướng đi mới, phù hợp thì kinh tế mới có thể bứt phá. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi thấy địa phương có hồ Vai Miếu khá rộng, khí hậu tốt, là điều kiện để có thể phát triển chăn nuôi cá, nên tôi đã xuống Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Trung tâm giống thủy sản Hà Nội để tham khảo.
Tại đây, tôi được một cán bộ của Viện tư vấn, từ đó tôi đã quyết định đưa cá lăng về quê nuôi. Về nhà, tôi lắp đặt 30 lồng nuôi cá trên hồ, sau đó nhập 20.000 con cá lăng về nuôi thả. Cùng với cá lăng, năm 2017, tôi tiếp tục nuôi thử nghiệm 2.000 con cá chiên. Sở dĩ ông chọn nuôi loài cá này là vì đây là loài cá quý hiếm, hiện nay trong tự nhiên loài cá này đang có nguy cơ cạn kiệt, trong khi có ít người nuôi nên rất dễ bán. Ngoài ra, cá chiên ăn ít thức ăn, lớn nhanh và giá thành cao, nên hiệu quả kinh tế sẽ cao. Hiện mỗi năm, tôi xuất bán gần 100 tấn các loại, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Không riêng ông Hạnh, mà phong trào thi đua “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” chính là động lực để nhiều hộ nông dân khác trong xã quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư sản xuất vươn lên làm giàu. Từ những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, đã giúp cho bức tranh sản xuất nông nghiệp của xã thay đổi hẳn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nếu như trước đây, người dân chủ yếu chỉ cấy lúa, thì nay bà con đã chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như: Củ đậu, mía, cà tím... Quá trình sản xuất nông nghiệp cũng được người dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào phục vụ, giúp tăng năng suất, chất lượng và giảm sức lao động của con người.
Cùng với phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng các công trình: Đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương... và đã trở thành phong trào lớn ở địa phương. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã đã có 39 hộ gia đình cá nhân hiến đất với diện tích 1.738m2 đất và 110m bờ rào để xây dựng các công trình nông thôn mới. Riêng trong năm 2019, xã đã làm được 2.229 m đường bê tông nông thôn tại 21 tuyến ở các xóm trên địa bàn xã.
Đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hằng năm các cơ quan, khu dân cư đều đăng ký cơ quan văn hóa, xóm và gia đình văn hóa. Kết quả năm 2019, xã có 1.982 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt 93,4%; số xóm đạt gia đình văn hóa là 9/10 xóm đạt 90%; cơ quan đạt cơ quan văn hóa là 4/5 cơ quan đạt 80%.
Đồng chí Đặng Lê Ninh, Chủ tịch UBND xã Ký Phú cho biết: Hiện nay, xã Ký Phú có 10 xóm, 2.489 hộ, với trên 8.100 nhân khẩu. Ký Phú là xã thuần nông, điều kiện để phát triển kinh tế không có gì đặc biệt, kinh tế chủ yếu thu nhập từ cây lúa, do vậy muốn phát triển, địa phương cần nỗ lực rất nhiều. Cách hữu hiệu là phát động thực hiện tốt các phong trào thi đua. Với khẩu hiệu “Người người thi đua, nhà nhà thi đua”, những năm qua, các tầng lớp nhân dân xã Ký Phú đã hưởng ứng sôi nổi các phong trào thi đua, ở tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông; đảm bảo an toàn giao thông; thực hiện cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng; thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng hạ tầng cơ sở; phát huy sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc nâng cao hiệu quả công tác...
Để các phong trào thi đua đi vào chiều sâu, UBND xã đã tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước một cách thường xuyên, theo các chuyên đề. Hằng năm, từ xã đến các cơ quan, xóm đều xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể trong thực hiện các phong trào thi đua. Hội đồng thi đua khen thưởng xã đã cụ thể hoá các nội dung thi đua phù hợp với từng đơn vị, từng ban, ngành, đoàn thể, các cán bộ, công chức, các xóm để triển khai tổ chức thực hiện. Ngoài ra, xã thường xuyên đẩy mạnh các ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, xã có 2 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, giải pháp công tác được công nhận và áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Từ việc triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, xã Ký Phú đã phát huy được sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, tạo động lực để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nâng cao dân trí, đảm bảo và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây hệ thống chính trị vững mạnh... 5 năm gần đây, xã luôn đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong tất cả các lĩnh vực.