Với diện tích chăn thả lớn phù hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện Định Hóa luôn duy trì đàn trâu, bò với số lượng nhiều nhất tỉnh. Những năm gần đây, việc sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, nhu cầu về sức kéo giảm nhưng người dân không giảm số lượng đàn trâu, bò mà dần chuyển sang chăn nuôi theo hướng thương phẩm.
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi bò lai Sind sinh sản của gia đình ông Mạc Văn Tuyên, xóm Gốc Hồng, xã Quy Kỳ. Chỉ vào đàn trâu, béo tốt, ông Hồng phấn khởi: Tận dụng diện tích đồi rừng của gia đình để chăn thả, năm 2016, gia đình tôi mua 8 con bò lai Sind sinh sản với giá 15 triệu đồng/con. Đến năm 2019, đàn bò đẻ lứa đầu tiên, gia đình tôi bán bê con được khoảng 13-15 triệu đồng/con, lứa đầu tiên thu về trên 100 triệu đồng. Hiện nay, đàn bò đang mang thai lứa thứ 2, dự kiến sẽ cho thu nhập cao hơn lứa trước.
Không chỉ gia đình ông Tuyên, tại xã Quy Kỳ hiện đã có trên 20 hộ chăn nuôi bò sinh sản hoặc bán lấy thịt. Với mô hình nuôi bò sinh sản thì sau khoảng 14-15 tháng sẽ bán 1 lứa với giá trung bình từ 13-15 triệu đồng/bê con. Còn đối với nuôi bò lấy thịt thì trung bình nuôi 1 con bê sau 2 năm sẽ bán được với giá trên 30 triệu đồng. Nếu mỗi hộ nuôi trung bình 5 con, sau 2 năm cũng có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho biết: Là địa phương có lợi thế lớn về chăn thả gia súc, hiện nay, tổng đàn trâu, bò của xã là 377 con (120 con trâu và 257 con bò). Do địa phương đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên bà con ít tận dụng sức kéo như trước đây, thay vào đó, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò thương phẩm với quy mô từ 10-15 con/hộ.
Còn tại xã Lam Vỹ, đến nay đã có hàng chục hộ dân bắt đầu chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ các loại gia súc sang nuôi bò tập trung. Ông Mông Đình Cường, Bí thư Đảng ủy xã thông tin: Hiện nay, bà con bắt đầu chăn nuôi bò theo hướng thương phẩm do có các ưu điểm như: Hiệu quả kinh tế cao hơn các loại gia súc khác, ít bệnh, dễ chăm sóc... Trước đây, người dân trong xã chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, khó kiểm soát dịch bệnh thì nay bà con đã bắt đầu kết hợp chăn thả với nuôi nhốt, xây dựng chuồng trại, tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn dịch bệnh... Bên cạnh đó, bà con đã sử dụng thức ăn công nghiệp, áp dụng biện pháp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng cho đàn gia súc.
Theo thống kê của huyện Định Hóa, đàn trâu, bò của toàn huyện hiện nay khoảng 10.500 con. Trong đó, đàn trâu có 5.000 con, đàn bò có trên 5.500 con, tập trung chủ yếu tại các xã: Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vỹ, Điềm Mặc, Kim Phượng. Ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Chăn nuôi trâu, bò theo hướng thương phẩm đang là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho rất nhiều hộ dân. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, nghiên cứu đưa những giống mới phù hợp với điều kiện ở địa phương để phát triển đàn đại gia súc theo hướng thương phẩm, hỗ trợ bà con áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi. Đồng thời, tìm kiếm thị trường đầu ra để đảm bảo ổn định giá, giúp bà con yên tâm chăn nuôi…