Xử lý chất thải nông nghiệp bằng chế phẩm sinh học

15:18, 30/10/2020

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân trên địa bàn huyện sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải nông nghiệp (CTNN) tại các chuồng trại, đồng ruộng… Qua đó bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

Toàn huyện Phú Lương có hơn 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp; trên 460 gia trại, trang trại chăn nuôi. Do vậy, hàng năm, lượng CTNN trên địa bàn huyện là rất lớn. Tuy nhiên, ngoài các trang trại, gia trại chăn nuôi với quy mô lớn thì đa số các hộ dân vẫn xử lý CTNN theo phương pháp truyền thống, chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, trong đó có nội dung xử lý CTNN bằng chế phẩm sinh học. Đặc biệt, nhằm tạo chuyển biến trong vấn đề này, vào tháng 6 năm nay (sau thu hoạch lúa vụ xuân), Trung tâm đã hỗ trợ 935 gói chế phẩm sinh học Emuniv cho 505 hộ nông dân… Đối với các hộ chăn nuôi, Trung tâm cũng hỗ trợ hơn 1.900 gói chế phẩm sinh học Bio Get - MTX cho 250 hộ dân để xử lý chất thải. Sau khi sử dụng, người dân đã thấy hiệu quả rõ rệt của chế phẩm sinh học đối với môi trường sống cũng như năng suất cây trồng, sự sinh trưởng của vật nuôi, dần chuyển biến về tư duy, phương thức sản xuất nông nghiệp.

Chị Đồng Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố Giang Tiên, thị trấn Giang Tiên cho biết: Trước đây, sau khi gặt lúa, bà con thường xử lý rơm, rạ bằng cách phơi, đốt hoặc để tự phân hủy. Phương pháp này sẽ không có đủ thời gian để phân hủy được hết gốc rạ, đặc biệt là vào thời điểm chuyển giao từ vụ xuân sang vụ mùa. Từ đó khiến cây lúa vụ sau bị ngộ độc hữu cơ, rễ khó phát triển, bị vàng lá, ảnh hưởng đến năng suất... Năm nay, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, bà con trong xóm đã sử dụng chế phẩm sinh học rắc lên đồng ruộng. Chỉ sau hơn 10 ngày, toàn bộ cây rạ đã phân hủy hoàn toàn, tạo ra lượng phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng vụ tiếp theo. Nhờ vậy, vụ mùa năm nay, toàn bộ diện tích lúa của người dân đều sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Năng suất lúa trung bình đạt trên 2,5 tạ/sào (tăng khoảng 0,5 tạ so với năm 2019).

Tương tự, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng đem lại những hiệu quả rõ rệt. Ông Quách Thành Chinh, xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ cho hay: Hiện, gia đình tôi đang nuôi gà lông trắng với quy mô 2.500 con. Trước đây, mỗi khi không khí có độ ẩm cao, chuồng gà hay có mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường nông thôn và dễ phát sinh bệnh. Để hạn chế điều này, tôi phải thay trấu thường xuyên, vừa tốn kém mà lại mất nhiều công. Từ khi sử dụng chế phẩm sinh học để rắc lên phân gà đã khử được mùi hôi, phân gà trở nên khô và tơi xốp.

Theo ông Bùi Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện: Chế phẩm sinh học là sản phẩm có chứa các vi sinh vật có ích, giúp phân hủy nhanh các chất thải hữu cơ, các hợp chất độc hại, từ đó, tạo ra các loại phân hữu cơ không gây hại cho môi trường, giảm thiểu mầm bệnh và mùi hôi. Nhận thấy hiệu quả của chế phẩm sinh học, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã ứng dụng để xử lý CTNN tại gia đình. Tuy nhiên, hiện, tỷ lệ số hộ sử dụng còn chưa cao, tập trung chủ yếu tại các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn và một số địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung như: Ôn Lương, Động Đạt, Phấn Mễ. 

Có thể thấy, việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý CTNN đã bước đầu khẳng định được hiệu quả thiết thực. Đây là tiền đề quan trọng để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thông qua các lớp tập huấn; xây dựng các mô hình điểm để bà con học tập và làm theo…