Thời gian qua, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu. Từ đó, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, có cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh mới ở những bước đi ban đầu và còn gặp nhiều khó khăn.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực sản xuất, chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Rau an toàn Bình Minh chia sẻ: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt các quy trình an toàn để giữ vững thương hiệu, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội. Các loại rau, củ, quả của HTX đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp từ 3 đến 4 tạ rau, củ, quả các loại cho cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh, chuỗi cửa hàng Nutifood, Mon green, Thọ Khang... Tuy nhiên, các cửa hàng nói trên mới chỉ tiêu thụ được 50% sản lượng rau của HTX, số còn lại, bà con vẫn phải bán ngoài chợ với giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định. Mặc dù đã có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được với các bếp ăn tập thể để cung ứng sản phẩm.
Tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, không chỉ riêng HTX Rau an toàn Bình Minh mà một số hộ nông dân, HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Khó khăn trước tiên là đa số nông sản được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ nên khi khách hàng có nhu cầu số lượng lớn thì thường không đáp ứng được đầy đủ. Bên cạnh đó, sản xuất nhỏ lẻ còn khiến việc áp dụng khoa học công nghệ nhằm cơ giới hóa cũng như sản xuất theo tiêu chuẩn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thô sơ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng đều dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu đồng nhất, ổn định. Đơn cử như tại vùng sản xuất lúa tập trung ở xã Úc Kỳ (Phú Bình), bà con cùng nhau cấy một giống lúa nếp Thầu Dầu nhưng chỉ cần 1, 2 hộ dân trong vùng cấy giống lúa khác là chất lượng gạo nếp cũng không được đồng đều.
Hay như đối với một số sản phẩm chè, rau, củ, quả ở một số đơn vị, sau khi hết chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con không còn sử dụng tem dán truy xuất nguồn gốc vì sợ tăng thêm chi phí sản xuất, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại bán trên thị trường. Bên cạnh đó, đầu ra nông sản chưa thực sự ổn định, liên kết tổ chức tiêu thụ sản phẩm chưa được chú trọng nên nhiều HTX còn e dè khi bỏ ra số tiền lớn để mua các loại máy móc, phương tiện kỹ thuật để sơ chế, bảo quản nông sản theo tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài ra, việc xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác kết hợp như: Bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, kênh quảng bá...
Trước thực trạng trên, về phía cơ quan chức năng cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ bà con quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Anh Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp - PTNT thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc nông sản, đặc biệt là những mặt hàng tham gia vào chuỗi liên kết. Hằng năm, Chi cục đều xây dựng kế hoạch kiểm tra các nội dung về sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói sản phẩm của các đơn vị sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất, hợp tác xã sử dụng tem bằng mã QR Code để minh bạch về quy trình sản xuất và lưu thông sản phẩm… Bên cạnh đó, những sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc cũng được trưng bày tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Có thể thấy, chất lượng nông sản được bảo đảm bằng tem nhãn, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... là yếu tố luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Nhất là trong bối cảnh hội nhập, việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu nông sản được coi là “kim chỉ nam” để phân biệt sản phẩm giữa các vùng, miền, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Vì thế, các hộ sản xuất, HTX không thể đứng ngoài cuộc mà cần tích cực liên kết sản xuất sản phẩm sạch, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.