Tập trung khống chế ổ dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò

18:49, 26/11/2020

Ngày 20-11, ổ dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện trên địa bàn xã Bình Long (Võ Nhai). Đây là loại bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện ở gia súc và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, bao vây dập dịch.

Tính đến ngày 26-11, trên địa bàn xã Bình Long có 5 con bò của 5 hộ dân mắc bệnh viêm da nổi cục. Cùng chúng tôi đi kiểm tra thực tế tại chốt kiểm dịch động vật, phòng chống bệnh viêm da nổi cục, ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Ngay sau khi có thông tin trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn - địa phương đầu tiên trong cả nước xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục, từ ngày 3-11, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp gồm trưởng xóm, bí thư chi bộ để tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và cách biện pháp phòng, chống. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã thành lập đoàn kiểm tra lưu động ở các xóm để giám sát tình hình dịch bệnh. Khi có ổ dịch xuất hiện, chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành khoanh vùng, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại khu vực chăn nuôi. Đồng thời, yêu cầu bà con không chăn thả rông mà nuôi nhốt để hạn chế lây lan dịch bệnh. Đàn trâu, bò trên địa bàn xã hiện có hơn 400 con, chúng tôi đã yêu cầu bà con ký cam kết không giấu dịch, không vận chuyển, giết mổ trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
 
 Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu,bò và không lâysang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt, tiếp xúc, vận chuyển, thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%,tỷ lệ chết từ1-5%. Triệu chứng điển hình của bệnh gồm: Sốt, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2-5cm...
Có mặt tại chốt kiểm dịch vào thời điểm cuối ngày, trời đã nhá nhem tối nhưng chúng tôi quan sát thấy vẫn có rất nhiều xe cộ qua lại. Anh Hoàng Quốc Trung, Trưởng chốt kiểm dịch động vật tạm thời cho biết: Xã Bình Long giáp ranh với một số địa phương của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang nên mật độ các phương tiện lưu thông qua đây cũng đông hơn các xã khác trong huyện. Ngoài ra, Lạng Sơn là địa phương đầu tiên trong cả nước xuất hiện ổ dịch nên chúng tôi càng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, các phương tiện đi qua chúng tôi đều tiến hành phun thuốc khử trùng. Đồng thời, nếu nghi ngờ xe nào có dấu hiệu vận chuyển gia súc trái phép thì yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Chốt được thành lập từ ngày 5-11, gồm có 5 cán bộ thực hiện canh gác 24/24h.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Hiện nay, đối với các xã, thị trấn chưa phát hiện trâu bò mắc bệnh cũng đã thành lập ngay các tổ phun hóa chất, tổng vệ sinh, phun thuốc diệt ruồi, muỗi, ve… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh. Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi mắc bệnh kịp thời báo cáo chính quyền và cơ quan thú y, tuyệt đối không được bán chạy gia súc ốm, mắc bệnh. 
 
Nhận định nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đã phối hợp với các huyện, thành, thị khác trong tỉnh tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ giết mổ, lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò để theo dõi, giám sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên khử trùng, tiêu độc chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh.
 
Cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, bà con cũng cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, như: Không mua bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường. Mặc dù đây là bệnh mới lần đầu tiên xuất hiện nhưng hoàn toàn không lây sang người. Vì vậy, bà con không nên hoang mang nhưng cũng không được chủ quan mà cần phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại và đảm bảo phát triển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trâu, bò...