Chè là cây trồng kinh tế chủ lực của huyện Phú Lương. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với sức khỏe người tiêu dùng cũng như thương hiệu sản phẩm, những năm qua, huyện luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người về vấn đề đảm bảo ATVSTP trong sản xuất và chế biến chè.
Theo chia sẻ của ông Phạm Duy Tiên, Trưởng xóm Bãi Bằng, xã Tức Tranh: Trước, đa số bà con sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học để chăm sóc cho cây chè với liều lượng và thời gian cách ly chưa đúng quy định. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, sau khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha, người dân trong xóm đã dần hiểu được lợi ích của việc sản xuất chè an toàn, từ đó từng bước thay đổi quy trình sản xuất. Giờ đây, 100% các hộ trồng chè đã sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ; chất lượng môi trường làng nghề được cải thiện rõ rệt, năng suất chè đạt 125 tấn chè búp tươi/ha (tăng khoảng 5 tấn so với năm 2017), giá bán ra đạt trung bình từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg.
Không riêng xóm Bãi Bằng, từ năm 2015 đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 2 nghìn tấn phân vi sinh cho các xóm sản xuất chè VietGAP tại các xã nằm ở vùng chè trọng điểm; tổ chức trên 100 lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn với hơn 5 nghìn lượt người tham gia... Tính đến nay, tổng diện tích chè VietGAP toàn huyện đạt gần 290ha (tăng hơn 220ha so với năm 2015), chiếm hơn 7% tổng diện tích chè toàn huyện. Mặc dù, diện tích sản xuất chè VietGAP được công nhận chưa nhiều nhưng đã có tác động làm chuyển biến tư duy sản xuất chè của phần lớn người dân. Hiện nay, nhiều hộ dân tại các làng nghề chè đã và đang chủ động học tập, áp dụng sản xuất, chế biến chè theo quy trình VietGAP tại gia đình, liên kết với nhau thành lập các tổ sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay, tại các xã vùng chè trọng điểm của huyện, lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng trên chè đã giảm 70-80% so với năm 2015; số hộ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất tăng 20-30%...
Ngoài ra, nhằm đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến chè, huyện cũng chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các khu chế biến khép kín với quy mô và thiết bị đồng bộ. Các tập thể, hộ chế biến quy mô nhỏ được huyện vận động và hỗ trợ thay thế các thiết bị chế biến cũ, lạc hậu, chưa đảm bảo ATVSTP bằng các thiết bị Inox hoặc thép không gỉ... Theo đó, từ năm 2015 đến nay, huyện đã hỗ trợ được 5 máy tôn sao ga, 319 bộ tôn sao chè bằng Inox, 300 bộ máy vò bằng Inox; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 20 khu sản xuất, chế biến chè an toàn… cho các hộ sản xuất chè tại các làng nghề, hợp tác xã. Từ các hoạt động hỗ trợ đã góp phần lan tỏa, làm thay đổi nhận thức của đại đa số người dân trong việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, khu chế biến để đảm bảo ATVSTP.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh thông tin: Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ về máy móc, thiết bị và tập huấn sản xuất chè an toàn của các cấp chính quyền, nhiều hộ dân trong xóm đã chủ động học tập và mạnh dạn đầu tư nâng cấp khu chế biến chè của gia đình mình. Đến nay, toàn xóm có khoảng 50% số hộ đã có khu chế biến chè riêng; 100% hộ sử dụng máy vò bằng Inox…
Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, các sản phẩm chè được sản xuất trên địa bàn huyện đã từng bước xây dựng được thương hiệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường đầu ra ngày càng mở rộng cả trong và ngoài nước. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh việc hỗ trợ mở rộng các diện tích chè sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ; khuyến khích người dân chủ động đăng ký chứng nhận chè VietGAP; mở các lớp tập huấn sao, chế biến chè đảm bảo ATVSTP…