Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) T.P Sông Công đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hay nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ hội viên mở hướng phát triển kinh tế. Qua đó, đã có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống; thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch HND T.P Sông Công chia sẻ: Xác định việc giúp đỡ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Hội đã tích cực tuyên truyền đến hơn 7.600 hội viên, sinh hoạt ở 133 chi hội về các mô hình kinh tế hay, mang lại hiệu quả cao; phối hợp với các ngân hàng, cơ quan chuyên môn và Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển các mô hình kinh tế; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tới toàn thể hội viên; hướng dẫn các chi hội thành lập tổ hợp tác để hội viên chia sẻ, nắm bắt thông tin, học tập kinh nghiệm trong sản xuất… Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đưa đời sống của hội viên ngày một khấm khá.
Cụ thể, năm qua, HND thành phố đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 60 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 3.100 lượt hội viên; phối hợp với Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh thẩm định và giải ngân dự án chăn nuôi bò sinh sản cho 22 hộ vay với số tiền 900 triệu đồng, hỗ trợ mô hình trồng nấm rơm và nấm dược liệu số tiền 300 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho trên 1.600 hội viên vay vốn, tổng số tiền dư nợ đến nay là gần 80 tỷ đồng; phối hợp với Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Sông Công ứng trả chậm 41.300kg phân bón các loại cho hội viên chăm sóc cây trồng…
Mô hình trồng nấm sò trắng của anh Phạm Thanh Quang, ở tổ dân phố 4, phường Mỏ Chè là một mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Quang chia sẻ: Tôi bắt đầu trồng nấm từ năm 2012. Lúc đó, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nên nấm bị hỏng nhiều. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia các lớp tập huấn do HND tổ chức, tôi đã có thêm kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, tôi được tạo điều kiện vay 300 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư, mở rộng xưởng sản xuất nấm. Hiện nay, với diện tích 1.700m2, tôi trồng duy trì thường xuyên 35.000 bịch nấm sò trắng và nấm rơm. Trừ chi phí, mỗi năm tôi có thu nhập 250 triệu đồng.
Còn tại xã Bá Xuyên, thời gian qua, HND xã cũng tích cực tuyên truyền tới 660 hội viên tham gia các phong trào thi đua, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Ông Đồng Văn Nghiệp, Chủ tịch HND xã thông tin: Với đặc thù là xã thuần nông, có đến 80% số hộ sản xuất nông nghiệp, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hướng nghiệp thành phố, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hỗ trợ hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền gần 5 tỷ đồng cho 150 lượt hội viên vay thông qua 3 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, đến nay đã có nhiều hội viên HND phát triển kinh tế bền vững. Số hộ khá và giàu có khoảng 200 hộ (tăng 50% so với năm 2018), thu nhập bình quân đầu người đạt từ 60-70 triệu đồng/người/năm. Hội chỉ còn 5 hộ nghèo (giảm 3 hộ so với năm 2019).
Có thể nói, bằng nhiều giải pháp thiết thực, các cấp HND trên địa bàn T.P Sông Công đã tạo động lực, giúp đỡ nhiều hội viên phát triển kinh tế bền vững, vươn lên làm giàu. Năm 2020, T.P Sông Công đã công nhận 400 hộ đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; 5.000 hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021 (đạt 100% kế hoạch tỉnh giao). Nhờ đó, đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản của địa phương lên 735,3 tỷ đồng (tăng 4,7% so với năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,47% (giảm 0,53% so với năm 2019).
Để hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Trần Minh Tâm cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng tạo thêm nhiều nguồn vốn mới giúp hộ viên vay vốn mở rộng sản xuất. Song song với đó là thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của hội viên; định hướng, hướng dẫn các cơ sở hội xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất, cung ứng sản phẩm theo chuỗi; cùng với đó là nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình để hội viên học tập, áp dụng tại gia đình… từng bước giúp hội viên vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.