Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã La Hiên (Võ Nhai) đã tập trung phát triển cây na, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Điều phấn khởi là cùng với việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể na La Hiên, quả na nơi đây cũng vừa mới được công nhận sản phẩm 3 sao theo tiêu chuẩn của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn na của gia đình, chị Bế Thị Hà, ở xóm La Đồng, xã La Hiên chia sẻ: Trước khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm na La Hiên đã được người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh biết đến. Song, việc tiêu thụ sản phẩm mới chỉ đóng gói, sản xuất thô sơ, chưa có nhãn mác, bao bì sản phẩm. Tham gia Chương trình OCOP, bà con chúng tôi triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có bao bì, nhãn mác ghi rõ xuất xứ nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Cùng với việc quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, nông dân xã La Hiên cũng đã từng bước thay đổi phương thức chăm sóc, thu hoạch. Cụ thể, đối với những vườn na già cỗi, cho năng suất thấp, bà con đã tiến hành đốn ngọn, tỉa cành. Đến mùa hoa nở, người dân dùng xi-lanh từng nhụy hoa, lấy phấn từ những nhụy hoa to, tỉ mẩn đến từng nhụy hoa khác để thụ phấn. Kết quả, phương pháp đốn ngọn tỉa cành và thụ phấn nhân tạo khiến tỷ lệ đậu quả đạt trên 98% và có những ưu việt rõ rệt như: năng suất cao, quả chín sớm, dễ bán; cây thấp nên việc phun thuốc trừ sâu và thu hái quả nhanh.
Na La Hiên sinh trưởng và phát triển trên những sườn núi đá, cho vị ngọt thanh mát, cùi dầy ít hạt, có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Sản phẩm na có mức giá trên thị trường trung bình từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg. Hiện, na được trồng với tổng diện tích gần 250ha. Tháng 7-2018, na La Hiên được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và mới được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao. Đây là cơ hội lớn, không chỉ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng mà còn góp phần quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong, ngoài tỉnh và vươn xa hơn là ra thế giới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người nông dân tiếp tục chuyển đổi từ sản xuất na truyền thống sang quy trình VietGAP nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thực hiện đầy đủ truy xuất nguồn gốc, tem nhãn… để ngoài phục vụ thị trường trong nước còn hướng tới đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng, các khâu sản xuất, đảm bảo an toàn đáp ứng đúng bộ tiêu chí sản phẩm OCOP…