Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết

11:30, 04/12/2020

Vài năm trở lại đây, trước những bất lợi về giá cả thị trường biến động cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã bắt tay với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Được đầu tư con giống, thức ăn, vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt, được bao tiêu sản phẩm nên trang trại lợn của gia đình anh Triệu Văn Cương, ở xóm Đèo Xá, xã Yên Lãng (Đại Từ) không phải lo đầu ra. Trò chuyện với chúng tôi, anh Cương chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên. Mỗi lứa nhà tôi nuôi từ 500-600 con, 1 năm được 2 lứa, sau khi trừ chi phí, trung bình một tháng, gia đình tôi cũng có thu nhập trên 20 triệu đồng. Tôi nhận thấy, mặc dù lợi nhuận có thể không bằng tự nuôi nhưng đây là cách làm an toàn, tránh được rủi ro, giúp tôi yên tâm đầu tư.

Không chỉ riêng gia đình anh Cương mà nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh cũng đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Theo mô hình liên kết này, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Còn người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Anh Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Lợn đến kỳ xuất chuồng, chúng tôi sẽ đến thu mua và đem về thịt tại cơ sở giết mổ tập trung Hưng Nguyên Thịnh, ở xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Sau đó, thịt lợn có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được chở trên các xe chuyên dụng đến các cửa hàng bán lẻ và các siêu thị trên địa bàn. Trung bình một ngày, chúng tôi phân phối đến các kênh tiêu thụ khoảng trên 170 con lợn và 4.800 con gà.

Có thể thấy, phát triển chăn nuôi theo hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hầu hết các chủ trang trại đều có lãi và không phải lo đầu ra cho sản phẩm, giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh có 340 trang trại chăn nuôi liên doanh, gia công cho 7 công ty (chiếm 43% tổng số trang trại). Từ đó, hình thành 6 chuỗi chăn nuôi gia cầm với các công ty: CP, Japfa, Emivet, Emoss, Phú Gia, Golden star và 5 chuỗi chăn nuôi lợn với các công ty: CP, Mavin Farm, Japfa comfeed, CJ Vina Agri, Dabaco. Thông qua những mô hình này đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có mô hình liên kết theo nhóm hộ, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội… chủ yếu nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Điển hình cho mô hình này có thể kể đến Hợp tác xã Hướng Dương Làng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương). Chị Nguyễn Thị Ly, Phó Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Chúng tôi hiện có 7 thành viên, thường xuyên duy trì số đầu lợn từ 500-700 con và 1,5 vạn gà/lứa. Ngoài việc thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cách thức sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, các thành viên còn thống nhất thực hành chăn nuôi theo quy trình nuôi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, giá bán sản phẩm của hợp tác xã cũng cao hơn trước đây từ 10-20%.

Thực tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp thì việc phát triển các mô hình liên kết chuỗi là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, liên kết trong chăn nuôi không những đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giải quyết tốt bài toán đầu ra. Thông qua chuỗi liên kết này, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cũng sẽ nắm được số lượng, nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Từ đó, giúp việc xây dựng chiến lược và có kế hoạch phát triển đàn cho phù hợp, tránh được tình trạng cung vượt cầu. Ngoài ra, khi mô hình liên kết chuỗi được xây dựng bền chặt và phát huy hiệu quả, sẽ từng bước loại bỏ dần các hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như hướng tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, kinh doanh thịt động vật không hợp vệ sinh, đảm bảo những quyền lợi thiết yếu cho người tiêu dùng và xã hội.