Tỏa sáng những “ánh sao" OCOP

11:41, 06/12/2020

Những ngày cuối năm 2020, Thái Nguyên luôn được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng khi trở thành “điểm sáng” trong việc triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Chỉ sau hơn 2 năm nỗ lực (2018-2020), đến nay, qua 2 kỳ đánh giá (2019, 2020), toàn tỉnh đã có 76 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 - 4 sao, trong đó có hơn 50 sản phẩm trà và chè. Hiện, Thái Nguyên đã có 7 sản phẩm lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao; 1 sản phẩm Làng văn hóa du lịch được đánh giá xếp hạng 4 sao.

Con đường đến… OCOP

OCOP là cụm từ tiếng Anh viết tắt (One Commune One Product) Chương trình mỗi xã một sản phẩm, một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới….

Ngày đầu tháng 12, khi cỏ cây còn ướt đẫm hơi sương, chúng tôi đã theo chân những người nông dân ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) lên đồi chè. Trong cái lạnh đầu đông, vùng chè nơi đây vẫn mướt xanh những búp chè. Điều khiến chúng tôi quan tâm là nông dân xóm 9 khi thu hái chè nguyên liệu không còn quan tâm đến năng suất mà đã quan tâm tới yêu cầu đặt hàng của HTX Chè Thịnh An - nơi bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Sau gần 5 năm liên kết với các hộ dân, Thịnh An không chỉ hướng bà con tới sản xuất chè hữu cơ mà còn trở thành “bà đỡ”, luôn đồng hành cùng người dân từ nương chè cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm. Cũng bởi tâm huyết với cây chè của quê hương nên từ khi “khai sinh” HTX Chè Thịnh An, Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX đã luôn nỗ lực hết mình để đưa chè Sông Cầu đến với mọi miền của đất nước. Với chị, niềm hạnh phúc lớn nhất khi vùng nguyên liệu (hơn 50ha) của HTX đã được sản xuất theo hướng hữu cơ (thực hiện theo Dự án của Trung tâm Khuyến nông quốc gia) đã đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Mừng nhất là hơn 100 hộ dân trong vùng dự án luôn có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến, giúp HTX có được nguồn cung ứng sản phẩm ổn định nên uy tín chè Thịnh An trên thị trường ngày càng được thăng hạng. Có một nền tảng khá vững vàng như vậy nên khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí OCOP, Ban Quản trị HTX rất hào hứng. Chị Hảo cho hay: Ngay từ kỳ đánh giá đầu tiên, chúng tôi đã mạnh dạn đăng ký 4/5 sản phẩm và cố gắng đạt được các tiêu chí mà Chương trình yêu cầu. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sào, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và đích đến trong năm 2021 của đơn vị sẽ là phát triển các sản phẩm tiềm năng lên hạng 5 sao.

Từ đầu năm 2016 đến nay, HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã liên kết với hơn 100 hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu “sạch” tại chỗ.

Khi chia sẻ với chúng tôi, đôi mắt chị Hảo luôn ánh lên niềm vui về những ích lợi mà OCOP đã mang lại cho HTX. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế tại HTX Chè Thịnh An và các cơ sở đã có sản phẩm được chứng nhận OCOP, chúng tôi nhận thấy, “đích” đến lại không hề dễ dàng. “Con đường” đến với OCOP phải vượt qua nhiều đoạn “gập ghềnh” khi phải đáp ứng vô vàn những tiêu chí khó trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm của Quốc gia.

Ông Trần Nho Hưởng, Chánh văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh giải thích: Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Và để “chạm tay” vào Giấy chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng 3 nhóm tiêu chí là: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng). Tiếp đến là các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm). Cuối cùng là các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế). Quá trình phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, chúng tôi căn cứ vào kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí và tổng điểm đánh giá tối đa cho mỗi sản phẩm là 100 điểm và được phân thành 5 hạng ( 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao).

Những giải thích của ông Hưởng đã lý giải vì sao, sản phẩm OCOP lại được thị trường đón nhận đến như vậy. Có lẽ sự ngặt nghèo trong quá trình đánh giá đã làm nên uy tín và thương hiệu của mỗi sản phẩm OCOP.

Sau gập ghềnh là… thành quả

Bắt tay vào thực hiện Chương trình OCOP, Thái Nguyên có gặp nhiều khó không, câu trả lời chúng tôi nhận được khi tìm hiểu thực tế ở cơ sở là: Có. Khó nhất ở đây chính là nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về OCOP còn rất mù mờ. Anh Nguyễn Trung Kiên, một người dân ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) nói: Ban đầu, do chưa hiểu OCOP là gì cả nên chẳng ai mặn mà với Chương trình. Sau này, được tham gia các chương trình tập huấn và tìm hiểu thêm qua sách, báo, tivi…, chúng tôi đã hiểu ý nghĩa của chương trình là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nên mọi người đều nhiệt tình tham gia.

Đóng gói sản phẩm chè tại HTX Chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) - sản phẩm được chứng nhận OCOP. Ảnh: Mạnh Hùng

Khi tham gia vào Chương trình OCOP, nếu không có sự liên kết trong sản xuất hoặc liên kết lỏng lẻo thì con đường đi đến “thành công” sẽ rất xa vời. Và sự thiếu liên kết chính là một trong những trở ngại lớn khi Thái Nguyên thực hiện Chương trình này. Đáng nói là quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ, chưa thể tạo dựng được sự liên kết hộ, liên kết theo nhóm chặt chẽ. Đó là chưa kể, có những HTX được thành lập chỉ hoạt động mang tính hình thức, khả năng quản trị quản lý, công tác lập kế hoạch, kế toán còn kém. Đặc biệt, trong sản xuất, việc tuân thủ theo quy trình còn ít được thực hiện, vấn đề sử dụng nhãn mác, logo... còn chưa đúng quy định.

Ông Trần Nho Hưởng cũng chia sẻ: Càng khó khăn bao nhiêu, chúng tôi càng phải nỗ lực bấy nhiêu. Sau khi đã “khai thông” nhận thức của bà con về OCOP, Thái Nguyên đã rất “chăm chỉ” tổ chức hội chợ mỗi xã, phường một sản phẩm (mỗi năm một lần). Không dừng lại ở đó, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các địa phương tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua ngày hội trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu… 

Đáng nói là, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách thưởng cho các sản phẩm đạt OCOP. Cụ thể, 20 triệu đồng/sản phẩm cho sản phẩm đạt 3 sao; 30 triệu đồng cho sản phẩm đạt 4 sao; 40 triệu đồng cho sản phẩm đạt 5 sao. Ngoài ra, tỉnh còn ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị, các chủ thể là HTX tham gia phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện OCOP truy xuất nguồn gốc; xây dựng mẫu cách thức thực hiện một sản phẩm hoàn chỉnh để đánh giá, xếp hạng...

Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực, chương trình OCOP củaThái Nguyên đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn; giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Hưởng cho biết thêm: Chúng tôi rất vui khi sản phẩm OCOP đã bước đầu tạo được lòng tin của thị trường, doanh số bán hàng của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP điều tăng. Thực hiện chương trình OCOP đã thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa người nông dân với nhau, nông dân với HTX, nông dân với doanh nghiệp; đẩy mạnh sự phát triển các HTX nông nghiệp (đến nay toàn tỉnh đã có trên 300 HTX nông nghiệp).

Dù đã đạt những thành quả nhất định nhưng chương trình OCOP ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều trở ngại khi mà trong tiêu chí đánh giá sản phẩm còn nhiều nội dung mang tính định tính; nhiều dịch vụ ở nông thôn còn kém phát triển, trở thành rào cản cho thực hiện Chương trình OCOP; nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn ít... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự phát triển của Chương trình này trong tương lai, nhất là khi Thái Nguyên đã đề ra những giải pháp khả thi như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, chương trình OCOP nói riêng. Nhất là việc quan tâm đến phát triển tổ chức sản xuất, hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi liên kết; xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩn OCOP để nhân ra diện rộng; chỉ đạo quản lý, sử dụng tốt nhãn hiệu OCOP theo quy định...