Hiện nay, cùng với việc tập trung sản xuất vụ xuân, bà con nông dân trong tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện để vào vụ trồng rừng mới. Nhằm đáp ứng nhu cầu cây giống của nông dân, các chủ vườn ươm trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện theo đúng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong từng khâu sản xuất để cung cấp ra thị trường cây giống đảm bảo chất lượng.
Có mặt tại vườn ươm của Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, trụ sở tại phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy các công nhân đang tích cực chăm sóc, đóng bầu, đảo bầu cho cây. Theo đại diện lãnh đạo Công ty, trung bình mỗi năm, đơn vị sản xuất, cung cấp 1 triệu cây keo giống. Điểm mới là năm nay, ngoài các giống cây gieo hạt, Công ty còn sản xuất các giống keo nuôi cấy mô. Anh Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Keo nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm, như: Cây phát triển 1 thân, không chẻ ngọn như keo thường, rễ cọc chắc chắn nên hạn chế gãy đổ; đặc biệt, cây không rỗng ruột nên sẽ có ưu thế hơn trong trồng rừng gỗ lớn.
Tương tự, tại vườn ươm của Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), các loại cây như: keo, giổi xanh, mỡ, lát… cũng đang vươn lên xanh tốt. Chị Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp cho biết: Vụ xuân năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị 7 triệu cây giống các loại cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Các loại cây giống của chúng tôi đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Trong vườn ươm của đơn vị được phân chia thành các lô, mỗi lô đều có biển tên từng loại cây giống và được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường hơn 26 triệu cây giống. Các vườn ươm này không chỉ đáp ứng nhu cầu cây giống của bà con trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh lân cận. Năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch trồng mới 4.000ha rừng tập trung và trồng 1 triệu cây xanh phân tán theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh góp phần phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2021-2025”. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản triển khai phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021 và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng. Các loại cây trồng gồm: keo, quế, mỡ, lát hoa, giổi…
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để đảm bảo chất lượng cây giống trồng rừng, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường công tác kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ các lô giống. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật đóng bầu, chăm sóc và phổ biến tiêu chuẩn cây xuất vườn. Nhờ vậy, những năm gần đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, Chi cục chủ yếu quản lý nguồn gốc giống cây, còn các đơn vị sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm về cây giống theo quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng rừng trồng, Chi cục khuyến cáo bà con nên tìm đến các cơ sở được cấp phép để mua cây giống, tuyệt đối không mua cây trôi nổi không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường để tránh gây thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, bà con cũng nên chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ từ 10-12 năm thay vì trồng rừng chu kỳ 5-7 năm như trước đây để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ, hướng tới phục vụ thị trường xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập ổn định.