Dân Tiến loay hoay chuyển đổi cây trồng

10:50, 29/01/2021

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương được các cấp, ngành, địa phương khuyến khích để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng cây trồng phù hợp, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, vẫn đang là bài toán khó đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Dân Tiến (Võ Nhai).

Xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến hiện có 255 hộ với 1.118 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS (Mông, Tày, Nùng, Cao Lan) chiếm 40%. Xóm vẫn còn 32 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo. Khoảng hơn 10 năm trước, hầu như gia đình nào ở đây cũng trồng mía nấu đường và cây mía trở thành cây trồng chủ lực. Vào thời điểm đó, mỗi sào mía cho thu nhập cao hơn so với các cây trồng khác. Thế nhưng, sau 4-5 năm, hầu hết diện tích mía của người dân trong xóm được chuyển sang trồng ngô. Nguyên do là do giá đường phên xuống thấp, chỉ khoảng 2.000-5.000 đồng/kg, người trồng không có lãi. Cây ngô lại trở thành cây trồng chính của bà con trong xóm. Vậy nhưng, cũng giống như cây mía, sau một thời gian, giá ngô xuống thấp khoảng dưới 5.000 đồng/kg và kéo dài nhiều vụ, người dân trong xóm lại chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Văn Sai, xóm Tân Tiến khi ông và vợ đang dọn nương để chuẩn bị cho vụ ngô mới. Gia đình ông Sai là một trong ít hộ hiện nay còn trồng ngô với diện tích lớn của xã. Ông Sai cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng mía rồi trồng ngô với diện tích khoảng hơn 2ha nhưng do giá mía, giá ngô xuống thấp, nên hiện nay chỉ còn trồng khoảng hơn 2 mẫu ngô, phần đất còn lại chuyển sang trồng cây keo và các loại cây ăn quả.

Hiện nay, các hộ dân ở xóm Tân Tiến đã chuyển khoảng gần 100 trong tổng số 200ha trồng ngô sang trồng cây keo, cây ăn quả. Ông Lê Quang Hưởng, Trưởng xóm Tân Tiến chia sẻ: Nhận thấy cây keo và các loại cây ăn quả đã và đang đem lại thu nhập cho người dân nhiều nơi nên người dân trong xóm cũng chuyển dần diện tích trồng ngô sang trồng các loại cây này. Đến nay xóm đã có khoảng 40ha cây ăn quả (chủ yếu là na, nhãn, bưởi). Ngoài hơn 10ha na do Nhà nước triển khai thì còn lại đa phần do người dân tự trồng. Tuy nhiên, người dân vẫn trồng xen canh, chưa trồng tập trung và chưa biết hiệu quả cụ thể ra sao.

Câu chuyện trên cũng đang diễn ra tại xóm Lân Vai, nơi có gần 100% là đồng bào dân tộc Mông. Tay vừa thoăn thoắt bóc vỏ thu ngô, vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Đào Thị Súa cho biết: Khu vườn rộng khoảng 4 sào này trước đây gia đình tôi đều trồng ngô, mỗi vụ khoảng 4kg ngô giống. Nhưng do đất đai bạc màu, năng suất kém, giá bán thấp nên 3 năm trước gia đình đã mua 100 gốc bưởi tại xã Tràng Xá về trồng nhưng đến nay bưởi vẫn chưa cho quả.

Được biết, đồng bào dân tộc Mông Lân Vai cũng đã và đang dần thay thế diện tích cây ngô bằng cây keo, bạch đàn và cây ăn quả. Ông Hầu Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lân Vai cho biết: Mặc dù giá 1kg đường phên cuối năm 2020 vừa qua bán được với giá trên 20.000 đồng nhưng diện tích chỉ còn khoảng 7ha, giảm hơn 10ha so với trước đây. Nguyên nhân là do giá đường phên lúc bấy giờ rất thấp nên người dân đã chuyển sang trồng ngô và cây ăn quả.

Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Hiện nay, việc đưa các loại cây ăn quả vào trồng trên địa bàn xã đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc xã triển khai 65ha trồng na tập trung tại xã xóm Đoàn Kết, Tân Tiến, Lân Vai và Bắc Phong thì khoảng 40ha còn lại do người dân tự trồng các loại cây nhãn, bưởi, cam, táo... không có cây trồng nào là cây chủ lực. Địa phương cũng định hướng cho bà con trồng các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên để có năng xuất ổn định, dễ tiêu thụ. Tuy nhiên để khẳng định hiệu quả và hướng đi cụ thể thì rất khó. Bởi hiện nay, đa phần diện tích trồng cây trong xóm là đồi dốc, bạc màu, lại khó khăn về nguồn nước tưới, vẫn phải phụ thuộc vào nước trời...