Sáng 22-1, tại xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.P Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình trồng giống chè trung du chọn lọc LCT1 và sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Mô hình trồng giống chè trung du chọn lọc LCT1 được triển khai từ năm 2018, quy mô 4ha, thực hiện tại 5 xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Hà với 29 hộ tham gia. Trồng chè được chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính giữa cây mẹ là giống Shan Cù Dề Phùng, cây bố là giống trung du xanh. Qua theo dõi cho thấy: Việc trồng rễ giâm cành, tỷ lệ sống cao (đạt từ 75-85%), khả năng sinh trưởng tốt, cây chè sang năm thứ hai cao trên 33cm, nở tán đều, rộng, búp dày.
Đối với mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ được triển khai trên diện tích 6ha, tại xã hai xã: Tân Cương, Phúc Xuân, với 21 hộ tham gia, thời gian thực hiện từ giữa năm 2019. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ theo cơ chế hỗ trợ 40% và đối ứng 60% (bao gồm phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học EM và thuốc sâu sinh học thảo mộc). Qua 2 năm thực hiện mô hình cho thấy, năng suất tăng từ 10-15% và chè có vị đâm hơn so với chăm sóc theo phương pháp thông thường, Ngoài thu hái chè búp còn được thu hái lá chè bánh tẻ, lá già đều chế biến được các dòng sản phẩm khác nên giá trị kinh tế khá cao.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.P Thái Nguyên cho hay, việc thực hiện 2 mô hình trình diễn nêu trên nhằm mở rộng diện tích chè trung du đang ngày càng bị thu hẹp trên địa bàn thành phố hiện nay và giúp người dân trồng chè tiếp cận với phương pháp trồng chè theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường.