Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán, tiêu thụ nông sản của người dân càng tăng cao. Nắm bắt được điều đó, thời điểm này, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn Đại Từ đã và đang tích cực sản xuất nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.
Những năm gần đây, cây ăn quả là một trong những cây trồng được chú trọng phát triển mạnh ở Đại Từ với khoảng 550ha trồng tập trung. Trong đó, bưởi được thị trường ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon và là loại quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Do vậy, những ngày này, tại các vườn bưởi ở Tiên Hội, Hoàng Nông, Quân Chu…, người dân đang tất bật thu hoạch để kịp phục vụ thị trường.
Có trên 23ha trồng bưởi, với khoảng 60 hộ tập trung ở các xóm: Đoàn Kết, La Dây, Suối Chùn, Đồng Khuôn…, trung bình mỗi năm, xã Hoàng Nông cung ứng ra thị trường khoảng 300 tấn bưởi, chủ yếu là vào dịp Tết. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc HTX Cây ăn quả Hoàng Nông, ở xóm Đoàn Kết cho hay: Tổng diện tích trồng cây ăn quả của HTX đến nay đạt gần 35.000m2, trong đó, bưởi Diễn chiếm tới 90% diện tích. Năm nay, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn hồi đầu năm nên sản lượng quả của HTX bị sụt giảm so với mọi năm. Tuy vậy, chất lượng quả được nâng lên do cây già năm hơn, các thành viên có ý thức áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, thu hái. Để có những sản phẩm chất lượng, HTX luôn lấy sản xuất an toàn làm đầu, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc có nguồn gốc hóa học; dùng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Vụ này, HTX dự kiến xuất bán khoảng 15 tấn quả.
Cùng với HTX Cây ăn quả Hoàng Nông, tại các nơi khác trên địa bàn huyện, bưởi đang độ chín đã và đang được người dân thu hoạch để bảo quản chờ đến Tết hay cung cấp cho thương lái đến tận vườn thu mua. Trung bình mỗi ha trồng bưởi cho thu từ 30-35 tấn quả.
Miến dong cũng là một trong những món ăn không thể thiếu được trong mâm cỗ Tết cổ truyền. Với truyền thống trên 30 năm, sản phẩm miến dong của các hộ dân ở xóm Duyên, xã Ký Phú đã được nhiều khách hàng gần xa biết tới. Vừa trò chuyện với chúng tôi vừa nhanh tay đóng gói miến cho kịp chuyến hàng gửi đi Bình Dương, ông Dương Văn Phong, một hộ làm miến ở xóm Duyên cho biết: Miến được tiêu thụ mạnh nhất là vào dịp cuối năm, tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Để có đủ miến cung cấp, chúng tôi phải nhập nguyên liệu từ tháng 8 âm lịch để tích trữ và tranh thủ thời tiết nắng ráo để phơi miến. Bởi lẽ miến càng được nắng thì càng mau khô, sợi dai và hình thức đẹp. Trung bình mỗi tháng cận Tết, gia đình tôi sản xuất được khoảng 1 tấn miến khô, miến làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài cung cấp cho bà con ở địa phương, gia đình tôi còn tiêu thụ tại thị trường trong Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa… với giá bán ổn định 50.000 đồng/kg.
Ngoài thưởng thức những món ăn ngon, đậm đà hương vị cổ truyền thì thói quen thưởng trà trong ngày Tết dường như đã ăn sâu vào mỗi nếp nhà của người Việt. Bởi lẽ đó mà trà là một trong những sản phẩm được nhiều người chọn làm quà tặng dịp cuối năm. Với 31 HTX và 68 tổ hợp tác, cùng 43 làng nghề trồng và chế biến chè, sản lượng chè phục vụ cho Tết của huyện tương đối lớn. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, sản lượng chè búp khô của huyện ước đạt 3.000 tấn vào những tháng cuối năm. Bên cạnh việc nâng cao về chất lượng sản phẩm, những năm qua, các doanh nghiệp, HTX chè trên địa bàn đã có nhiều đổi mới về hình thức nhằm tiếp cận thị trường đa dạng hơn.
Ngoài các sản phẩm thông thường, nhiều đơn vị còn có sản phẩm riêng dành cho Tết, đơn cử như HTX Chè Nhật Thức, ở xóm Khuôn 2, xã Phục Linh. Chị Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chia sẻ: Từ tháng 10, 11 Âm lịch, lượng chè xuất bán tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường (khoảng 20-25 tấn/tháng) bởi nhiều người đã mua chè để biếu, tặng hay mua để uống Tết. Do vậy, chúng tôi phải dự trữ nguyên liệu từ tháng 8 mới đủ cung cấp. Các sản phẩm được ưa chuộng chủ yếu là các dòng cao cấp, có thương hiệu và được thiết kế đẹp mắt, phù hợp để trưng bày và làm quà biếu. Đặc biệt, Tết năm nay HTX đã cho ra các sản phẩm trà hoa như: Hoa trà Bát tiên, trà Nhài, trà Sen… với giá dao động từ 500.000-700.000 đồng/kg để phục vụ khách hàng. Các sản phẩm được đóng túi zip để giữ nguyên hương vị cũng như tiện lợi cho người sử dụng.
Bên cạnh các loại nông sản kể trên thì nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của huyện như: Rau, củ, quả an toàn, nấm, gà, lợn, cá… cũng đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để phục vụ các cuộc liên hoan dịp cuối năm, làm quà biếu hay đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình trong những ngày Tết. Hiện chưa có số liệu cụ thể của cơ quan chuyên môn về sản lượng của các loại nông sản này trong dịp Tết, tuy nhiên thực tế cho thấy thị trường của các sản phẩm này đang rộng mở, người dân ngày càng có ý thức ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông sản sạch, an toàn. Qua đó, góp phần tạo nên Tết ấm no, an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.