Chỉ 2.000 đồng 1 kg cà chua; 1.000 đồng1kg su su; không quá 1.000 đồng 1kg su hào hoặc bắp cải; 3.000-4.000 đồng1kg hành tươi; 5.000 đồng/1kg rau húng… những con số cho thấy giá rau xanh trên địa bàn tỉnh “lao dốc” một cách thảm hại thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Là chợ đầu mối nên lưu lượng người và số lượng hàng hóa trao đổi tại khu vực chợ Túc Duyên và chợ Thái rất đông. Vào buổi sáng, la liệt các mặt hàng nông sản trong đó chủ yếu là các loại rau xanh được bày bán. Tôi dừng xe lại hàng bán cà chua, su su và bắp cải. Cuộng bắp cải và su su còn dính nhựa, từng quả cà chua “tai” còn tươi rói, nhìn là biết mới được cắt từ vườn mang thẳng ra chợ (thông thường cà chua khi già bắt đầu có dấu hiệu ương chín sẽ được hái về nhà dấm đến khi nào chín mới mang đi bán). Chị bán hàng mau miệng mời chào nhưng khi chưa dứt lời chị đã vội phải lấy tay che miệng ngáp ngủ. Chị phân trần: Mình bán hàng từ 9 giờ (21 giờ) tối hôm qua mà giờ hàng vẫn còn cả đống. Buồn ngủ quá!
Thông thường người trồng rau số lượng nhiều sẽ mang rau ra khu vực chợ Túc Duyên và chợ Thái bán từ lúc nửa đêm để cân buôn cho các thương lái đi chợ xa. Chậm nhất thì hàng hóa cũng sẽ được tiêu thụ hết lúc khoảng tầm 1-2 giờ sáng. Thế nhưng 2 tháng trở lại đây, các loại rau, quả đều rất rẻ và việc tiêu thụ lại khó khăn. Bởi vậy dù đang vào cao điểm thu hoạch nhưng nhiều cánh đồng rau trên địa bàn tỉnh như Linh Sơn, Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) lại trong tình trạng cà chua chín đỏ bỏ đầy ruộng; su su sai chi chít quả để già; nhiều loại rau thơm, gia vị như húng, hành tốt bời bời... nhưng chẳng ai thu hái. Bà Nguyễn Thị Nga, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) buồn bã: Rau trồng ra bao công chăm sóc chưa kể các chi phí khác, trông mong suốt mấy tháng trời giờ bỏ thì tiếc mà thu hoạch thì không bõ ngày công đi chợ. Ở đây đã có người phải bán 10.000 đồng 30kg cà chua.
Nhìn ruộng hành xanh mướt, anh Nguyễn Văn Sơn, xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn buồn bã: Trồng rau bao năm nay, giá lúc lên, lúc xuống cũng là chuyện thường tình, nhưng rẻ đến mức như hiện tại thì hiếm thấy. Với giá từ 2.000-4.000 đồng/1kg hành như hiện nay không đủ công ngồi nhặt và bó chứ đừng nói công trồng hay chăm sóc. Chắc mai, kia không chỉ nhà tôi mà bà con trong xóm cũng không ít người sẽ phá bỏ hết.
Mấy ngày qua, hàng loạt ruộng cà chua ở xóm Huống Trung dù còn lúc lỉu quả vẫn được người dân phát bỏ. Ông Nguyễn Minh Hải, một người dân ở xóm cho biết: Nhiều người mang cà chua ra chợ nhưng không bán được lại mang về rải xuống ruộng, lúc trước còn bảo nấu cho lợn ăn nhưng đợt dịch bệnh vừa qua, lợn trong xóm cơ bản không còn. Ngay cả rau súp lơ, vốn vẫn là loại rau được giá và dễ bán, thời gian gần đây cũng xuống giá đến mức 10.000 đồng/4 cây…
Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên rau phát triển nhanh, người trồng được mùa. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua khiến cho sức tiêu thụ giảm mạnh. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm 2020, diện tích rau các loại toàn tỉnh ước đạt 15.000ha, sản lượng đạt gần 257.900 tấn. Song sản lượng rau phân bố không đều, tập trung chủ yếu trong vụ đông - xuân chiếm trên 77,8% tổng sản lượng rau cả năm. Đây cũng là lý do khiến rau xanh được mùa, mất giá.