Sinh viên Nông học thao thức cùng hoa đón Tết

15:50, 01/02/2021

Chân lấm bùn lội ruộng, tay uốn cành, tỉa lá bắt sâu, tai nghe dự báo thời tiết, luôn miệng trả lời điện thoại hẹn ngày xuất vườn với khách - Công việc tất bật những ngày giáp Tết Nguyên đán của sinh viên Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) như thể làng nghề vào vụ cũng chính là những tiết học cuối cùng của năm.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 những ngày giữa tháng Chạp chuẩn bị đón Xuân mới, sinh viên toàn viên Đại học Thái Nguyên được nghỉ học sớm hơn dự kiến, những với những sinh viên Khoa Nông học công việc càng trở nên gấp gáp hơn nhiều lần. Tạm ngừng học, những không thể ngừng chăm cây, cũng không thể ngừng cấp nước, cắt điện và che sương muối, chắn nắng cho những khóm hoa đang vào độ chúm chím đón Xuân.

Sau hơn 18 tháng thực tập từ Đan Mạch và Mỹ trở về Trường chuẩn bị cho kỳ học cuối cùng để tốt nghiệp, sinh viên Nguyễn Hoàng Duy, ngành Trồng trọt khóa 46 chia sẻ: “Mới đây em có được 2 hợp đồng chăm sóc nhà vườn trong T.P Thái Nguyên dịp Tết, với mức thu nhập 12-13 triệu đồng/tháng, nhưng em buộc phải từ chối vì trong trại thực nghiệm của Khoa em và các bạn học còn hàng nghìn khóm hoa đã độ chuẩn bị xuất bán. Điều quan trọng không phải là bán được hay không mà đó cũng chính là thành quả học tập, thực tế của các nhóm sinh viên chúng em từ năm đầu đến năm cuối trên mỗi sản phẩm ở từng thời điểm phát triển của cây trồng. Học trên giảng đường tốt mà không có sản phẩm tốt phục vụ nhu cầu xã hội thì cũng là một thất bại với hoạt động đào tạo mà chúng em đang tạo dựng để khởi nghiệp cho tương lai”.

Còn TS-Dương Trung Dũng, Phó trưởng Khoa thì vận nguyên bộ vest vừa từ giảng đường lội thẳng xuống ruộng hoa cùng sinh viên bắt tay vào công việc hướng dẫn thực hành, kiểm chứng. Thầy vào chuyện: “Làm nông nghiệp thì phải trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm và trông cả thị trường nữa. Với trên 1 vạn khóm hoa, cây giống các loại, lúc nào chúng tôi lúc nào cũng phải theo sát để cho ra sản phẩm như bài học tren lớp vậy. Học đi đôi với thực hành, nói được thì phải làm được. Chính vì vậy, với lưu lượng gần 200 lượt sinh viên thực hành mỗi vụ cây trồng, chúng tôi đều bám sát thực hành của các em. Hầu hết các sản phẩm trong vườn đều do sinh viên tái sử dụng từ thực hành sau bài giảng để chuyển hóa thành sản phẩm và các em được tự tổ chức sản xuất, tự bán ra thị trường. Năm nay các em phải làm việc gấp hai, gấp ba lần so với mọi năm vì nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, nên đến thời điểm này là cuối vụ thu hoạch và kết nối giao sản phẩm ra thị trường cho khách.

Vào vụ Tết hàng năm, mỗi sinh viên đều có thu nhập thêm từ 3- 5 triệu đồng từ bán sản phẩm phụ vụ thị trường Tết. Thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp đến không chỉ thu mua hoa, cây cảnh, mà tìm sinh viên đến chăm sóc các nhà vườn... những sinh viên rất tâm huyết, sẵn sàng bám trường, bám ruộng để tạo ra những dòng sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, vì đó chính là thành quả mà cả thầy trò cùng làm ra, nên rất cuốn hút các em”.

Sinh viên Giảng A Thanh, quê huyện Tam Đường (Lai Châu) tranh thủ những khâu cuối là đánh dấu, phân loại sản phẩm để bàn giao cho nhân viên phụ trách vườn để về quê đón Tết cho biết: “Có thời điểm do thiếu lao động, em điện về quê cho bố xuống cùng làm. Như vậy bố cũng có thêm thu nhập và biết thêm những kỹ thuật chăm sóc hoa, cây cảnh sau về quê làm sẽ hiệu quả hơn”.

Còn sinh viên Lý A Đông, quê huyện Sìn Hồ (Lai Châu) hào hứng kể: “Em mới học năm đầu, nhóm lớp em được phân công nhiệm vụ tìm hiểu thị trường và kết nối. Bằng công nghệ Internet, chúng em đã liên kết được hàng trăm đơn hàng trong và ngoài tình Thái Nguyên. Nhờ kết nối tốt, những ngày giáp Tết này, chúng em không còn quá bận tâm thuê điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, mà khách hàng đến tận nơi lựa chọn hàng. Nhiệm vụ cuối cùng của em là lập danh sách từng nhóm hàng để thiết kế kỹ thuật chăm sóc cho cây, hoa bền, đẹp, nở đúng thời điểm cần thiết”.

Theo PGS,TS Nguyễn Viết Hưng, Trường khoa Nông học: “Ngày nay khoa học trồng trọt được ứng dụng nhiều công nghệ mới, công nghệ cao, nên sản phẩm nông nghiệp không chỉ tăng năng suất mà còn đẹp về mẫu mã, sạch về môi trường. Sinh viên của Khoa học tốt tiếng Anh, thì mỗi năm Trường còn tổ chức cho hàng trăm em đi thực tế tại các nước sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đi thực tế, các em còn được đối tác trả thù lao hàng tháng. Có em sau chuyến thực tế về còn có thêm hàng trăm triệu đồng trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, rất đông sinh viên cuối năm hào hứng trực tiếp thực hành tại Khu thực nghiệm của Khoa. Nhà trường và Khoa sẽ tiếp tục đầu tư những mô hình sản xuất công nghệ cao để các em làm quen và khi đi thực tế tại các nước sẽ không bỡ ngỡ. Khi trở về sinh viên sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.