Năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch trồng mới 4.000ha rừng tập trung và trên 1 triệu cây xanh phân tán. Để đảm bảo tiến độ trồng rừng theo kế hoạch, ngay sau Tết Nguyên đán, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành, thị phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân khẩn trương tiến hành phát dọn, xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống và các điều kiện cần thiết để tập trung trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất.
Mặc dù mới là ngày mùng 5 Tết, nhưng từ sáng sớm, ông Lý Văn Tho, xóm Khuổi Lừa, xã Tân Thịnh (Định Hóa) cùng hai người con trai đã tất bật chuẩn bị cuốc, thuổng, dao phát để lên rừng phát dọn thực bì, cuốc hố trồng cây. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tho cho biết: Gia đình tôi có 6ha rừng, gồm: 4ha keo và 2ha quế. Cuối năm ngoái, gia đình tôi thu hoạch 4ha keo, bán được hơn 300 triệu đồng. Năm nay, toàn bộ diện tích keo mới khai thác tôi sẽ chuyển sang trồng cây quế. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi lên rừng ngay để phát dọn, xử lý thực bì và cuốc hố chờ sẵn, ngay khi nhận cây giống về là gia đình tôi trồng luôn.
Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh với trên 30.000ha, năm nay, huyện Định Hóa có kế hoạch trồng mới trên 1.000ha rừng tập trung và 300.000 cây xanh phân tán. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, ngay từ đầu tháng 11-2020, chúng tôi đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất trồng rừng của huyện để xây dựng kế hoạch thiết kế diện tích trồng rừng và phương án trồng rừng cho phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về những chế độ chính sách đối với các hộ tham gia trồng rừng và đôn đốc người dân tranh thủ phát dọn thực bì, cuốc hố trồng rừng ngay sau Tết Nguyên đán để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng mới được trên 200ha rừng các loại, đạt 20% kế hoạch.
Cùng với huyện Định Hóa, hiện nay, người dân tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào vụ trồng rừng mới. Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn cây giống phục vụ trồng rừng của người dân, lực lượng kiểm lâm các địa phương đã chỉ đạo những cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn chủ động kế hoạch gieo ươm và tiến hành các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây giống để đảm bảo cho cây giống phát triển tốt sau khi người dân đem trồng và đạt tỷ lệ sống cao nhất. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp với khả năng cung cấp trên 26 triệu cây giống, chủ yếu là các loại cây như: Keo, mỡ, lát, lim, quế…. Các vườn ươm trên địa bàn không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về cây giống cho người dân trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh lân cận. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, mặc dù thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng nhờ chủ động về thời gian gieo ươm, tích cực chăm sóc nên cây giống tại các vườn ươm đều phát triển tốt, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Theo khảo sát của chúng tôi tại vườm ươm của Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), toàn bộ cây giống tại đây đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Bà Nguyễn Thị Mai, Đội trưởng Đội sản xuất cây giống của Công ty cho biết: Vụ xuân năm nay, chúng tôi gieo ươm trên 40 vạn cây giống các loại. Đến thời điểm này, chúng tôi đã cung ứng được trên 10 vạn cây giống cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Hiện nay, cùng với việc tích cực chuẩn bị các điều kiện cho vụ trồng rừng mới, Chi cục Kiểm lâm cũng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành, thị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát những diện tích đất trống, diện tích rừng đến tuổi thu hoạch để đôn đốc chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác; khuyến cáo người dân thực hiện khai thác đến đâu thì tiến hành trồng rừng lại ngay đến đó, không để đất trống nhằm bảo đảm kế hoạch trồng rừng của năm. Đồng thời, tích cực chỉ đạo công tác chăm sóc rừng trồng của những năm trước, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt chú ý công tác phòng cháy, chữa cháy khi người dân xử lý thực bì để trồng rừng.