Võ Nhai từng bước tái đàn lợn an toàn

08:18, 04/02/2021

Sau ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi năm 2019, huyện Võ Nhai không phát sinh thêm ổ dịch mới hay tái phát dịch. Cùng với các giải pháp phòng dịch, việc tái đàn cũng được huyện quan tâm thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này.

Đợt dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong năm 2019 đã gây thiệt hại lớn cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Võ Nhai với trên 10,5 nghìn con lợn phải tiêu hủy. Các giải pháp quyết liệt chống dịch như: Khoanh vùng dập dịch ngay tại chỗ; khử trùng tiêu độc và phòng tránh dịch bệnh lây lan… được huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả nên vào tháng 4-2020, huyện đã công bố hết dịch trên địa bàn.

Việc tái đàn lợn được huyện chỉ đạo chặt chẽ song song với thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT) cùng các phòng chức năng của huyện tập trung hướng dẫn các xã, thị trấn và bà con tái đàn thận trọng, áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, tránh tái đàn ồ ạt gây nguy cơ tái phát dịch bệnh. Chính vì vậy người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện đã từng bước tái đàn an toàn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu của người dân, dần ổn định lại giá cả thị trường thịt lợn tại địa phương.

Ông Lê Xuân Trường, xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá đã phải tiêu hủy hàng chục con lợn, thiệt hại trên một trăm triệu đồng trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019. Giữa năm 2020, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, gia đình ông đã đầu tư chăn nuôi trở lại.Hiện, gia đình ông nuôi 18 con lợn nái và gần 20 con lợn thịt. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: Rút kinh nghiệm sau đợt dịch, gia đình tôi chủ động phòng chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng; bổ sung khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng nên đàn lợn đang phát triển tốt, dự kiến xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán này.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, các ngành chức năng của huyện Võ Nhai cũng thực hiện rà soát các cơ sở chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tả lợn châu Phi để vận động, hỗ trợ về kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn giúp các cơ sở tái đàn hoặc mở rộng quy mô. Hộ gia đình ông Chu Thanh Phong, xóm Hợp Tiến, xã Tràng Xá là một trong những cơ sở chăn nuôi không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Vào giữa thời điểm dịch bùng phát, ông Phong nuôi 26 con lợn nái và 60 con lợn thịt. Để phòng dịch, gia đình ông tuân thủ nghiêm các quy định để đảm bảo an toàn như: Khử trùng triệt để môi trường chăn nuôi, ngăn cách hoàn toàn khu chăn nuôi với môi trường bên ngoài, tránh mầm bệnh xâm nhập; điều động nhân viên kỹ thuật thường trực theo dõi chuồng trại, vật nuôi… Nhờ vậy, ngay sau khi hết dịch, được sự hỗ trợ của địa phương, ông Phong có thể mở rộng quy mô nuôi trên 200 con lợn thịt. Trao đổi với chúng tôi, ông Phong cho biết: Kết thúc năm 2020, gia đình tôi thu lãi tới trên 1,4 tỷ đồng và hiện gia đình còn có 200 con lợn nái và 200 con lợn thịt trong chuồng.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn toàn huyện Võ Nhai đã tăng từ 10,3 nghìn con lên trên 28,3 nghìn con. Kết quả này dù không đạt chỉ tiêu số lượng trên 30 nghìn con năm 2020 nhưng với số lượng trên đã góp phần thực hiện đạt giá trị chăn nuôi trên 267 tỷ đồng, tương đương 104% kế hoạch và đạt sản lượng thịt hơi gần 6,3 nghìn tấn, tương đương 101% kế hoạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trong năm 2021, chúng tôi vẫn sẽ duy trì các biện pháp tái đàn từng bước, thận trọng; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng bà con thực hiện các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ để bảo đảm vừa tái đàn vừa phòng dịch, không để dịch bệnh tái phát trên địa bàn.