Xung quanh vấn đề quản lý, truy xuất nguồn gốc đào

10:34, 01/02/2021

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành chỉ thị và văn bản về công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nhưng việc quản lý, phân biệt ra sao và truy xuất nguồn gốc như thế nào để thuận lợi cho việc khai thác, mua bán đào nhà lại khiến không ít người dân trồng đào băn khoăn, lo lắng. Ghi nhận của chúng tôi tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã cho thấy điều này.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác 2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết. Sau đó, ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Đến ngày 18/1/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 356 về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 gửi các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Điều này có nghĩa việc vận chuyển, mua bán, sử dụng cành đào rừng dưới mọi hình thức đều bị coi là vi phạm. Đây là quyết định đúng đắn, thể hiện sự quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng. Tuy nhiên, chủ trương trên đang khiến không ít người trồng đào băn khoăn, lo lắng.

Tuy là một trong những hộ trồng và có thu nhập chính từ chè nhưng những năm gần đây, anh Nguyễn Thanh Bình, ở tổ dân phố số 4, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) trồng thêm đào bán trong dịp Tết Nguyên đán để tăng thêm thu nhập. Năm nay, anh Bình có khoảng 100 cây đào chuẩn bị đem xuống T.P Thái Nguyên bán. Tuy nhiên, trước thông tin Chính phủ và các cấp, ngành yêu cầu quản lý, truy xuất nguồn gốc đào, anh không khỏi băn khoăn, lo lắng. Anh cho biết: Gia đình tôi phần lớn là trồng đào ta (giống đào rừng) xen với diện tích chè. Với quy định của Chính phủ và ngành Nông nghiệp, tôi rất lo khi chặt đào chở ra chợ hay T.P Thái Nguyên bán như mọi năm sẽ bị lực lượng chức năng thu giữ, lập biên bản, thậm chí tạm giữ người. Cùng tâm trạng như anh Bình, dẫn chúng tôi đi thăm vườn đào, anh Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Năm nay đào đẹp hơn mọi năm. Cả nhà hy vọng dịp Tết này sẽ bán chạy và có một khoản thu nhập. Vậy nhưng, tôi cũng đang bất an vì chưa biết vận chuyển và bày bán có được thuận lợi hay không bởi quy định mới của Chính phủ.

Còn anh Nguyễn Văn Điền không giấu nổi sự lo lắng, có phần khó hiểu. Anh nói: Năm 2018, gia đình tôi trồng khoảng 1 sào hoa đào theo Dự án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện và được hỗ trợ 5 triệu đồng. Sau hơn 2 năm trồng, chăm sóc, đến nay mới được khai thác và đã chuẩn bị bán vì đã cận Tết. Nhưng cây đào, cành đào đâu giống các hàng hóa có tem nhãn, mã vạch khác mà dễ truy xuất nguồn gốc được. Không lẽ tôi trồng hoa theo dự án Nhà nước hỗ trợ nay đem bán sản phẩm lại bị cho là vi phạm thì vô lý.

Mấy ngày gần đây, nhu cầu chơi đào Tết đã bắt đầu và ngày càng tăng cao. Theo yêu cầu của khách hàng, anh Nguyễn Thành Chung, ở tổ dân phố số 4, thị trấn Sông Cầu đã tự mình vận chuyển đào đến người mua. Gia đình anh Chung là hộ có nhiều năm trồng và bán đào Tết, năm nay anh có 4 sào với khoảng 400 cây. Gần trưa, lúc chúng tôi đến nhà, anh đang chuẩn bị chở đào xuống T.P Thái Nguyên. Khi được hỏi vì sao lại phải chở đào đi giờ trưa, anh thật thà: Nói thật là tôi chờ đến trưa mới dám chở đào đi để tránh lực lượng chức năng. Hôm trước, tôi cũng phải đợi chập tối mới dám chở đi. Đào mình trồng trong vườn thật, không phạm pháp nhưng tôi không muốn bị hỏi han “phiền phức”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu cho biết: Trước những băn khoăn, lo lắng về việc khai thác và bán đào của người dân dịp Tết này, UBND thị trấn sẽ ký xác nhận nguồn gốc xuất xứ bởi hầu hết các hộ trồng đào theo dự án, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với những hộ tự trồng cũng vậy, thị trấn đều có danh sách quản lý và cán bộ chuyên môn theo dõi. Do vậy, bà con yên tâm về việc vận chuyển, mua bán.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi tìm hiểu tại Chi cục Kiểm lâm - đơn vị được Sở Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện nhiệm vụ trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh và được biết: Đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng các biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ đào phù hợp, tạo điều kiện cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm hợp pháp...