Diện tích chuối tây ở Phú Lương giảm mạnh

10:42, 05/03/2021

Chuối tây từng được huyện Phú Lương xác định là một trong những cây trồng thế mạnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là các xã nằm ở khu vực phía Bắc của huyện. Vào năm 2014, tổng diện tích chuối tây toàn huyện đạt khoảng 150ha. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, diện tích trồng chuối tây đã giảm mạnh, nhiều hộ dân không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Cây chuối được trồng phổ biến ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Yên Ninh. Đây là loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương vừa từng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ năm 2009 đến 2011, UBND huyện Phú Lương đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên xây dựng, triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng thâm canh chuối tây tại xã Yên Ninh”. Từ đó hình thành vùng trồng chuối tập trung tại các xóm Suối Hang, Suối Bén, Yên Phú…

Tiếp nối Dự án trên, năm 2013, UBND huyện tiếp tục triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình trồng và thâm canh cây chuối tây trên địa bàn huyện Phú Lương giai đoạn 2013-2014” tại 3 xã: Ôn Lương, Động Đạt, Yên Ninh. Diện tích trồng chuối tây trên địa bàn huyện đạt gần 150ha vào năm 2014, trong đó xã Yên Ninh có tới 70ha. Cây chuối tây với khả năng phát triển tốt trên địa hình đất dốc, núi đá, chịu hạn tốt hơn so với các loại cây trồng khác, chi phí sản xuất thấp đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Triệu Đức Vinh, xóm Suối Hang, xã Yên Ninh cho biết: Tôi đã trồng 2ha chuối tây trên sườn núi đá và từ năm 2012, sản lượng chuối bán ra của gia đình ngày càng tăng. Vào thời điểm thu hoạch, ước tính 1ha chuối cho thu trên 1,5 nghìn buồng, mỗi buồng đạt 15-20kg, giá bán ra dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu được đạt trung bình khoảng 80 triệu đồng/ha. Bên cạnh việc vận chuyển ra chợ phiên bán, cây chuối sau khi thu hoạch còn được tư thương đến tận nơi thu mua. Nhờ cây chuối mà gia đình tôi đã có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, mua xe máy và có vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Không chỉ hộ ông Triệu Đức Vinh mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện cũng đã vươn lên thoát nghèo, đời sống kinh tế được nâng cao nhờ cây chuối tây. Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, diện tích chuối tây trên địa bàn huyện đang sụt giảm mạnh. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và PTNT, tính đến năm 2020, toàn huyện chỉ có 50ha chuối tây (giảm 100ha so với năm 2014). Thực tế tại một số khu vực từng có diện tích trồng chuối tây lớn, chúng tôi nhận thấy, nhiều hộ dân đã phá bỏ cây chuối để chuyển sang cây trồng khác, trong đó chủ yếu là cây keo.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nguyên nhân đầu tiên là do những năm gần đây, thị trường đầu ra của chuối tây không ổn định, giá cả bấp bênh. Từ năm 2017 đến nay, giá thu mua chuối ngày càng giảm. Hiện, giá bán ra chỉ đạt từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Người dân chủ yếu mang ra chợ bán, tư thương không đến thu mua nữa. Bên cạnh đó, nhiều diện tích chuối tây trên địa bàn bị nhiễm bệnh héo rũ Panama, khiến cây bị vàng lá sẽ, héo rụi và không ra buồng hoặc quả bị lép, nhỏ. Loại bệnh này rất nguy hiểm đối với cây chuối và khó có thể trị bệnh dứt điểm.

Có thể thấy, cây chuối tây là cây trồng vẫn có nhiều tiềm năng phát triển và rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Phú Lương, đặc biệt là ở Yên Ninh, Yên Trạch. Nếu quan tâm phát triển sản xuất và tiêu thụ thì cây trồng này sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, bà con rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc và trị bệnh cho cây trồng này; đồng thời hỗ trợ liên kết tạo đầu ra sản phẩm… Từ đó góp phần phát huy hiệu quả kinh tế của cây chuối tây, giúp người dân có sinh kế ổn định, nâng cao chất lương cuộc sống.