Đổi thay ở những xóm người Mông

09:32, 05/03/2021

Trên địa bàn huyện Định Hóa, đồng bào dân tộc Mông chủ yếu sinh sống ở xóm Khau Lầu, xã Định Biên và xóm Quế Linh, xã Bảo Linh, với trên 100 nhân khẩu (đây là 2/26 xóm có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh). Những năm qua, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, xóm Khau Lầu, xã Định Biên (Định Hóa) có 75 hộ với 234 nhân khẩu, trong đó có 9 hộ với 40 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực đồng bào Mông sinh sống ở đây, ông Hà Thanh Thịnh, Trưởng xóm Khau Lầu kể: Người Mông sinh sống ở đây từ nhiều đời nay. Trước năm 2015, con đường dài 2km vào đây vẫn là đường đất, vào thời điểm mưa nhiều con đường trở nên trơn trượt, không thể đi lại, cuộc sống của bà con hầu như biệt lập với các xóm khác. Năm 2015 từ Đề án 2037 của tỉnh (Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020), con đường được đổ bê tông đã giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình chị Vi Thị Sản là một trong những hộ đồng bào Mông có kinh tế khá giả của xóm cho biết: Từ năm 2017, gia đình tôi đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, trong đó có trên 1 mẫu ao nuôi cá, gần 50 con lợn nái và lợn thịt, trồng hơn 1ha quế. Hàng năm, gia đình tôi thu về trên 60 triệu đồng.

Không chỉ có chị Sản, mà các hộ đồng bào Mông nơi đây cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây bà con đã đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy hoặc đi lao động tự do ở nhiều nơi. Đến nay, 7/9 hộ đồng bào Mông trong xóm Khau Lầu đều có kinh tế khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa được nhiều đồ dùng sinh hoạt tốt phục vụ cuộc sống. 

Cũng giống như xóm Khau Lầu, đời sống kinh tế của 14 hộ đồng bào Mông ở xóm Quế Linh cũng ngày một nâng cao. Trước đây, gia đình anh Vi Văn Lê luôn thuộc diện hộ nghèo của xóm, nhưng đến cuối năm 2020 đã thoát được nghèo. Anh Lê cho biết: Năm 2017, tôi đã mạnh dạn vay mượn tiền để cải tạo 6 sào vườn thành ao nuôi cá và mua 2 con trâu sinh sản. Năm vừa qua gia đình tôi thu về được 50 triệu đồng từ việc bán nghé và cá. Ông Vi Văn Kỷ, Bí thư Chi bộ xóm Quế Linh cho biết: Với việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhiều hộ đồng bào Mông đã vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2016 đa phần các hộ người Mông đều thuộc diện nghèo và cận nghèo thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 5 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo.

Nói về những đổi thay của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã, ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Bảo Linh cho biết: Mặc dù xã có trên 90% người dân làm nông nghiệp nhưng nhiều hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Mông lại thiếu đất sản xuất hoặc không có. Vì thế trong những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong xã tận dụng diện tích đất của gia đình để đầu tư chăn nuôi trâu, bò, thuỷ sản... Phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng vào sản xuất cho bà con nhân dân. Vận động con em trong độ tuổi lao động đi lao động tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh. Qua đó đời sống sinh hoạt của người dân dần được nâng cao.