Sáng 19-3, UBND xã Tiên Hội (Đại Từ) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận làng nghề Chè xóm Phúc Lẩm.
Xóm Phúc Lẩm có 193 hộ với 724 nhân khẩu, trong đó có trên 200 hộ làm chè. Trước năm 1965, người dân trong xóm trồng chè chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Đến năm 1965, nhân dân ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định… đã về xóm khai hoang lập nghiệp, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè. Các bãi trồng sắn, đồi trồng cây lấy gỗ được thay thế bằng các nương chè của các hộ dân. Dần dần cây chè trở thành cây trồng đem lại thu nhập chính cho bà con nơi đây, sản phẩm chè của xóm đã có tiếng khắp vùng, nước xanh, hương đậm được nhiều người ưa thích.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện sức lao động, những năm qua, người dân ở xóm Phúc Lẩm đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, trang thiết bị chế biến chè. Các giống chè giâm cành (Phúc Vân Tiên, Kim Tiên, TRI 777) được đưa vào trồng thay thế giống chè trung du. Đến nay, xóm có 54,7 ha chè, trong đó diện tích chè giâm cành là 48ha. Năng suất bình quân đạt 122 tạ chè búp tươi/ha/năm, sản lượng đạt gần 670 tấn/năm. Trong các Lễ hội trà do huyện Đại Từ tổ chức, xóm Phúc Lẩm đã tham dự và nhiều lần đạt giải cao trong Hội thi “Bàn tay vàng chế biến chè”. Nhờ trồng chè, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/hộ/năm. Nhằm khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong xóm trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ, từng bước xây dựng thương hiệu, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Làng nghề Chè xóm Phúc Lẩm.
Cùng ngày, UBND các xã: Minh Tiến, Tân Linh, Phú Cường, Hoàng Nông, Phú Xuyên, Khôi Kỳ (Đại Từ) cũng đã tổ chức đón Bằng công nhận cho các làng nghề chè. Đó là: Làng nghề Chè xóm Hòa Tiến 2; Làng nghề Chè xóm 6; Làng nghề Chè xóm Thanh Mỵ; Làng nghề Chè xóm Đoàn Thắng; Làng nghề Chè xóm 13; Làng nghề Chè xóm Đức Long.