Lâu nay, vấn đề tiêu thụ nông sản vẫn luôn là nỗi trăn trở của các nhà quản lý cũng như bà con nông dân. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng nông sản “được mùa, mất giá” kéo dài nhiều năm nay và giải pháp nào để kết nối hoạt động cung - cầu? Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế, trao đổi với nhiều nông dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi cung ứng nông sản và ngành chức năng để tìm câu trả lời trong vấn đề này.
Thái Nguyên đang có những bước tiến nhất định trong thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng phát triển, việc sản xuất nông sản chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng không đồng đều, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu sự kết nối giữa người sản xuất và DN tiêu thụ, thiếu thông tin định hướng thị trường… đã khiến cho việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Từ “nỗi buồn” nông sản...
Trồng 2 sào bắp cải, su hào nhưng bán cả trước và sau Tết Nguyên đán 2021, gia đình anh Võ Văn Chiến, ở tổ 4, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chưa thu nổi 100.000 đồng. Anh Chiến chia sẻ: Có năm được giá, chúng tôi bán được từ 10.000-15.000 đồng/kg su hào nhưng năm nay, giá bán chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg mà còn không có người mua.
Trong vụ đông xuân vừa qua, không chỉ gia đình anh Chiến mà nhiều hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh cũng bị thiệt hại do giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp. Cụ thể, cà chua, bắp cải, rau cải xanh… chỉ có giá từ 1.000-3.000 đồng/kg và luôn trong tình trạng rất khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Minh Hải, một hộ trồng rau màu chuyên canh ở xóm Huống Trung, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) than thở: Năm nay, giá rẻ như cho, chỉ có 1.000 đồng/kg mà không bán được nên tôi đành phải nhổ bỏ 3 sào cà chua để trồng các loại cây khác. Vụ cà chua năm nay, gia đình chấp nhận thua lỗ.
Ngoài mặt hàng rau, củ, quả thì thịt gà cũng bị giảm giá mạnh, khiến các hộ chăn nuôi lao đao. Anh Hoàng Văn Khoản, chủ trang trại ở xóm Mận, xã Phục Linh (Đại Từ) nói: Năm nay chúng tôi bị thua lỗ nặng, bởi 1 con gà nuôi từ 4-5 tháng mới bán với 40.000 đồng/kg (lỗ 10.000 đồng/kg). Thị trường tiêu thụ cũng chậm nên thương lái cũng giảm bớt sản lượng thụ mua. Không bán được nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì đàn gà nhưng rút bớt cám và cho ăn bổ sung các loại thức ăn khác như ngô, sắn…
... đến những điểm sáng
Trong khi các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ khó tiêu thụ nông sản thì nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn có đầu ra ổn định. Đơn cử như sản phẩm rau an toàn của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) vẫn được tiêu thụ hàng ngày tại Siêu thị Minh Cầu. Chị Phạm Thị Ngọc Hà, quản lý bán hàng của Siêu thị cho biết: Thời điểm này, trung bình mỗi ngày, chúng tôi tiêu thụ 5 tạ rau, củ, quả của Tổ hợp tác, chiếm 80% mặt hàng rau trong siêu thị. Đây đều là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin tưởng. Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng chỉ đặt mua theo nhu cầu của khách hàng, nên mới chỉ tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng của Tổ hợp tác.
Tương tự, đối với HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (T.X Phổ Yên), từ năm 2018 đến nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết với một đơn vị ở Hà Nội và 7 bếp ăn tập thể trên địa bàn thị xã để bao tiêu 7-8 tạ rau, củ, quả/ ngày cho thành viên. Chị Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX chia sẻ: Để đảm bảo các đơn hàng, HTX lập kế hoạch cụ thể trong từng khâu sản xuất, các hộ thành viên được phân thành từng nhóm để chuyên canh các loại rau khác nhau. Sự chủ động trong sản xuất, tiêu thụ giúp các hộ thành viên có nguồn thu nhập ổn định và gắn bó với đồng ruộng.
Và rào cản
Thực tế hiện nay, đa phần nông sản trên địa bàn tỉnh (ngoài sản phẩm chè) chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Đất sản xuất nhỏ lẻ, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đơn cử như đối với rau màu, diện tích sản xuất toàn tỉnh hiện có 15 nghìn ha, sản lượng năm 2020 đạt trên 257 nghìn tấn (tăng 55,5 nghìn tấn so với năm 2015) mới chỉ đáp ứng trên 60% nhu cầu tiêu dùng. Cơ cấu, chủng loại rau của tỉnh khá phong phú, đa dạng, gồm nhóm rau lá, rau lấy thân, củ, rễ, rau lấy quả… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến sản lượng phân bố không đều, tập trung chủ yếu trong vụ đông xuân (chiếm 77% sản lượng rau cả năm) nên vụ sản xuất này thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”. Ngược lại, vào vụ hè thu, tỉnh vẫn phải nhập thêm trên 30 nghìn tấn rau các loại từ các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc. Tương tự, đối với mặt hàng thịt lợn, gà cũng chưa có thị trường xuất khẩu, không ổn định, thiếu bền vững, giá cả bấp bênh; chưa gắn kết chăn nuôi với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Chị Dương Thị Vụ, ở xóm Cả, xã Tân Khánh (Phú Bình) chăm sóc đàn gà của gia đình.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về thị trường, để đạt được giá trị và hiệu quả kinh tế cao nhất thì nông sản phải được đưa vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, để có thể vào được hệ thống bán lẻ, bếp ăn tập thể, nông sản cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về: Giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, số lượng lớn, chủng loại đa dạng… Trong khi hiện nay, đại đa số các hộ sản xuất, hợp tác xã đều hoạt động theo quy mô nhỏ lẻ, sản xuất mùa nào thức nấy, chưa áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Vì thế, nông sản chỉ được các thương lái thu mua, còn những đơn đặt hàng lớn của các siêu thị, nhà máy, bếp ăn tập thể thì người dân không đủ khả năng đáp ứng về số lượng và chất lượng. Đơn cử như các tại các khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh (như Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I), hầu hết các doanh nghiệp tại đây vẫn phải nhập khẩu nông sản từ các tỉnh khác do nông sản Thái Nguyên chưa đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng như nhu cầu sử dụng nông sản rất lớn của các bếp ăn tập thể. Những yếu tố này trở thành rào cản lớn nhất cho nông sản Thái Nguyên tiếp cận thị trường và chuỗi liên kết tiêu thụ…
(Còn nữa)