Lời giải cho bài toán giảm nghèo

08:16, 02/03/2021

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã có gần 31.700 hộ thoát nghèo, riêng ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có trên 11.300 hộ thoát nghèo. Đến đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 19 xã, 75 xóm ĐBKK vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng ĐBKK; 47 xã thuộc Chương trình 135, 6 xã ĐBKK đạt chuẩn nông thôn mới. Vậy, lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững là gì?

Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, đối với tỉnh ta có nhiều thách thức đặt ra vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Qua điều tra, phân tích về nguyên nhân nghèo thì có tới trên 90% số hộ nghèo do thiếu vốn đầu tư, thiếu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thiếu sức lao động hoặc do trong nhà có người mắc bệnh hiểm nghèo… Từ xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của người dân, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã quyết liệt vào cuộc, tập trung các nguồn lực đầu tư của Nhà nước thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo. 

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động được 630 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có gần 549 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, trên 80 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh đối ứng. Để tiền vốn đầu tư thật sự phát huy được hiệu quả, Thái Nguyên lựa chọn, đầu tư ưu tiên cho các xã có nhiều hộ nghèo, xã ĐBKK, chủ yếu là các công trình hạ tầng cơ sở theo nguyện vọng của nhân dân. Cũng trong giai đoạn này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai thành công 90 mô hình giảm nghèo; 485 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với tổng số gần 42.000 lượt hộ tham gia. Các cấp, ngành cũng đã tổ chức 96 lớp tập huấn về nâng cao năng lực giảm nghèo cho 7.629 lượt người có uy tín và 9.790 cán bộ cơ sở.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh đúc kết: Chương trình giảm nghèo được các cấp, ngành chức năng xây dựng phù hợp với từng năm và cả giai đoạn; tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện và khơi dậy được ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành và mọi người dân là lời giải cho bài toán xóa giảm nghèo bền vững trên toàn tỉnh.

Để nông dân “bắt được cá to hơn”

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,3 triệu dân, trong đó có trên 877 nghìn người sinh sống ở vùng nông thôn, với gần 557 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên. Tại thời điểm tháng 2-2021, trên địa bàn tỉnh có 70% lao động đã qua đào tạo, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2016. Với người nông dân, được tham gia các lớp đào tạo nghề, đồng nghĩa với việc trao thêm cơ hội xóa giảm nghèo; giúp họ “bắt được cá to hơn”.

Sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y, ông Miêu Văn Tân, ở xóm Táo, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) đã đầu tư phát triển chăn nuôi gà với quy mô trung bình khoảng 4.000 con/lứa, cho thu nhập trên 650 triệu đồng/năm.

Nhưng để “bắt được cá to hơn” thì phải kể đến việc triển khai, thực hiện Đề án Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Chính phủ. Nhiều nông dân sau học nghề, vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh đã làm thay đổi được cuộc sống của chính gia đình mình. Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: LĐNT tham gia ĐTN là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức, làm thay đổi tư duy của người nông dân trong phát triển kinh tế hộ.

Đáp ứng cho nhu cầu học nghề của nông dân, toàn tỉnh có 50 cơ sở dạy nghề hoạt động hiệu quả, trong đó gồm 12 trường cao đẳng; 8 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 17 cơ sở khác tham gia ĐTN theo Đề án 1956 của Chính phủ, với tổng số 415 giáo viên tham gia dạy nghề. Đặc biệt là tỉnh có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cả doanh nghệp tham gia ĐTN, tuyển dụng lao động sau đào tạo và người học nghề cũng được hỗ trợ tiền học phí.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Để nông dân “bắt được cá lớn”, trong tổ chức ĐTN, Thái Nguyên không chạy theo số lượng, mà tập trung đào tạo các nghề gắn với thế mạnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã tuyển sinh, ĐTN cho gần 20 nghìn người, trong đó hơn 7.800 người học nghề phi nông nghiệp; hơn 12 nghìn người học nghề nông nghiệp... Ngay sau tham gia các lớp ĐTN, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Qua các lớp ĐTN, nông dân được nâng cao trình độ sản xuất; nhiều người trong số họ được học thêm nghề mới, như: Nấu ăn, gia công cơ khí, điện, nước, làm tóc, cắm hoa, mộc… Các nghề đào tạo đều nhằm mục đích nâng cao giá trị ngày công lao động cho nông dân. Ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý (Phú Lương) chia sẻ: Từ năm 2016 đến hết năm 2020, xã có 250 LĐNT được tham gia các lớp ĐTN. Sau đào tạo, những nông dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp đều trở thành hộ có kinh tế ổn định.

Chia sẻ về câu chuyện giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, ông Trần Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đúc kết: Việc tổ chức ĐTN cho LĐNT là một trong các giải pháp của Nhà nước mang lại hiệu quả rất cụ thể. Điều này giúp người nông dân nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất, nhất là việc tạo cho họ có điểm tựa chắc chắn khi tiếp cận với nghề mới. Đó chính là niềm tin vào khả năng của bản thân. Từ đó họ dám buông bỏ những gì lạc hậu, biết nắm bắt cơ hội để “bắt được cá to hơn”.