Khẩn trương dập dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

09:04, 09/04/2021

Hiện nay, dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã lây lan ra 7/9 huyện, thành, thị trong tỉnh với tổng số trên 280 con mắc bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm khống chế, khoanh vùng, dập dịch.

Gia đình ông Hà Quang Cảnh, xóm Làng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương) có 10 con bò và 7 con ngựa, trong đó, có 2 con bò đã bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Ông Cảnh cho biết: Khi bò bị bệnh, chúng tôi rất lo lắng. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên gia đình tôi mới chỉ tiêm thêm thuốc bổ, vitamin và thuốc hạ sốt. Chúng tôi rất mong sớm có vắc-xin phòng bệnh để yên tâm chăn nuôi.

Lo lắng của ông Cảnh cũng là nỗi niềm của đa số các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Bởi hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, độ ẩm cao, làm giảm sức đề kháng của đàn trâu, bò. Bên cạnh đó, thời tiết ẩm cũng tạo thuận lợi cho các loại côn trùng hút máu như: ve, muỗi, mòng… là vật chủ trung gian truyền bệnh viêm da nổi cục sinh sôi. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát trong thời gian tới là rất cao.

Trước tình hình trên, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho hay: Để giám sát tình hình dịch bệnh, huyện đã tổ chức đoàn đi kiểm tra tại các địa phương và những hộ dân có trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Còn ông Đỗ Danh Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ thông tin: Toàn huyện có 24 con bò của các hộ dân ở 5 xã mắc bệnh viêm da nổi cục. Hiện chúng tôi đã yêu cầu phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương có dịch tuyên truyền người dân cách ly đàn trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm với những con còn khỏe mạnh để theo dõi và hạn chế lây lan dịch bệnh...

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, với quy mô chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, chuồng trại ẩm thấp, là điều kiện để vi rút lưu giữ, phát triển trong môi trường và lây nhiễm nhanh thời gian qua. Thêm vào đó, việc chưa có đủ vắc xin tiêm phòng và thuốc điều trị đặc hiệu cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. Nói về những giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Chúng tôi đã cấp 12 nghìn lít hóa chất và 100kg thuốc sát trùng cho các địa phương tiến hành khử trùng tiêu độc ở vùng dịch, vùng dịch uy hiếp. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các điểm giết mổ, trung chuyển trâu, bò và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh. Chi cục cũng đã cấp trên 3.270 liều vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và 2 huyện Định Hóa, Võ Nhai. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng mới chỉ chiếm phần nhỏ bởi tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh hiện có hơn 86 nghìn con. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ đấu thầu mua vắc xin để phấn đấu tiêm phòng cho 100% tổng đàn trâu, bò trong tỉnh.

Cùng với đó, việc các hộ dân cần làm là thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi; phun thuốc diệt côn trùng như: ruồi, muỗi, ve, mòng để hạn chế vật chủ trung gian truyền bệnh. Đối với các hộ có trâu, bò mắc bệnh, tuyệt đối không được giết mổ, bán chạy, bán tháo và không vứt xác gia súc mắc bệnh ra ngoài môi trường.