Xác định trồng rừng, phát triển kinh tế rừng là một trong những thế mạnh ở các xã phía Tây (Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công, Minh Đức…), những năm qua, T.X Phổ Yên đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng theo hướng hàng hóa, đưa các giống mới, cho năng suất cao vào trồng. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế rừng mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho người dân.
Theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên, hiện nay, địa phương có gần 7.000ha rừng, trong đó, rừng sản xuất là trên 4.400ha (chủ yếu là trồng keo lai, bạch đàn), còn lại là rừng phòng hộ. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, địa phương đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao… Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp phù hợp với thực tế địa phương; tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cho sản xuất.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng mang lại, nhiều hộ dân đã tích cực chuyển đổi diện tích rừng, cây ăn quả giá trị thấp sang trồng rừng kinh tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, toàn thị xã trồng mới được trên 700ha, bình quân mỗi năm trồng mới trên 154ha (cao hơn kế hoạch trồng rừng hằng năm khoảng 40ha); tỷ lệ che phủ rừng đạt 28%. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây lâm nghiệp chất lượng vào trồng đã góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân. Bình quân 1ha keo lai (chu kỳ 7-8 năm) cho thu hoạch 120-140 tấn gỗ nguyên liệu (cao hơn 30-40 tấn so với trước), mang lại nguồn thu nhập khoảng 100-120 triệu đồng. Từ nguồn nguyên liệu phong phú, trên địa bàn thị xã cũng đã có trên 90 cơ sở chế biến lâm sản hoạt động hiệu quả, thu hút hàng trăm lao động địa phương vào làm việc với thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Phúc Thuận là địa phương có diện tích rừng lớn nhất thị xã với trên 2.800ha, trong đó hơn 1.200ha là rừng sản xuất. Bà Triệu Thị Hòa, Trưởng xóm Hang Dơi chia sẻ: Trước mỗi vụ trồng rừng, các hộ dân đều được cán bộ Hạt Kiểm lâm thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật và chăm sóc, gần 30ha keo lai của xóm luôn phát triển tốt, trong đó 24ha đang cho khai thác. Nhờ phát triển kinh tế rừng, cuộc sống người dân đã dần được cải thiện, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm xuống còn 2,5%.
Cũng giống như ở xã Phúc Thuận, xác định được lợi ích của việc trồng rừng, thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Thành Công cũng đã tích cực mở rộng diện tích rừng sản xuất. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước thì hiện nay bà con đã tự bỏ vốn hoặc mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng để phát triển kinh tế rừng. Từ năm 2018 đến nay, nhân dân trong xã đã trồng mới trên 280ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ, nâng tổng số diện tích rừng của toàn xã lên hơn 885ha. Cùng với đó, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng đã mạnh dạn thành lập các cơ sở chế biến lâm sản. Ông Nguyễn Văn Quý, chủ một cơ sở chế biến lâm sản ở xóm Đồng Đông cho biết: Bình quân mỗi tháng, cơ sở của gia đình tôi xuất bán gần 100m3 gỗ pallet (được các doanh nghiệp dùng làm kệ kê hàng hóa), giá bán dao động 3,5-4 triệu đồng/m3 tùy loại gỗ. Hiện nay, cơ sở đã được mở rộng quy mô lên hơn 1.000m2, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, T.X Phổ Yên đang trong quá trình triển khai nhiều công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều này phần nào ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích rừng của nhân dân. Tuy nhiên, mục tiêu mà thị xã hướng tới vẫn là duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 28%/. Để thực hiện được điều này, thời gian tới, T.X Phổ Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cùng với việc đưa các giống cây lâm nghiệp chất lượng vào trồng, thị xã cũng khuyến khích người dân kết hợp chăn nuôi gà, ong… dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để mở rộng diện tích rừng trồng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.