T.P Sông Công đang xuất hiện đồng thời dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và lở mồm long móng trên đàn lợn. Nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan, các cơ quan chuyên môn của thành phố đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, kiên quyết không để dịch chồng dịch.
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Cuối tháng 1, trên địa bàn thành phố xuất hiện trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau đó chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tham mưu cho UBND thành phố có văn bản yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt tình hình dịch bệnh; phối hợp các xã, phường và hộ dân thực hiện khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi; rà soát, thống kê, cập nhật danh sách toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò và số lượng gia súc trong diện tiêm phòng để đăng ký vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục… Đến cuối tháng 3, trên địa bàn lại tiếp tục xuất hiện dịch lở mồm long móng trên đàn lợn ở xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên. Ngày 10-4, thành phố đã đã công bố dịch lở mồm long móng, đồng thời tích cực tuyên truyền đến các hộ dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Nói về việc chấp hành các các biện pháp phòng, chống dịch, chị Nguyễn Thị Nhung, xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên chia sẻ: Gia đình tôi đang nuôi 5 con bò và 60 con lợn (chủ yếu là lợn thịt). Vừa qua, có 1 con bò và 1 con bê bị mắc bệnh viêm da nổi cục, gia đình tôi đã áp dụng ngay các biện pháp phòng, chống dịch như thường xuyên rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng tiêu độc 1 lần/ngày; nhốt riêng số bò, bê bị bệnh ra một chuồng khác… để tránh dịch bệnh lây lan. Còn tại gia đình bà Hoàng Thị Bảo Hoa, ở tổ dân phố Làng Mới, phường Bách Quang, ngay sau khi 1 con bê và 1 con bò của gia đình bị mắc bệnh viêm da nổi cục, gia đình đã vệ sinh chuồng trại để nuôi nhốt số bò, bê trên, không chăn thả ngoài đồng ruộng như mọi ngày. Khi con bê bị chết, bà Hoa đã báo cáo chính quyền địa phương để thực hiện tiêu hủy theo quy định, đồng thời phun thuốc khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi của gia đình…
Ông Dương Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Quang thông tin: Ngay sau khi thành phố công bố dịch viêm da nổi cục trâu, bò và lở mồm long móng trên đàn lợn, đồng thời có văn bản chỉ đạo các địa phương, chúng tôi đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của phường và triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch; giao cán bộ thú y thông báo và trực tiếp đến từng hộ dân để nắm bắt tình hình, báo cáo Ban Chỉ đạo; yêu cầu các hộ dân ký cam kết “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc (không giấu dịch; không bán chạy gia súc bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc bệnh, chết; không vứt xác gia súc ra môi trường; không chăn thả gia súc ra bãi chăn thả chung trong vùng có dịch).
Theo báo cáo của UBND T.P Sông Công, tính đến 16 giờ ngày 12-4, trên địa bàn ghi nhận 214 con bò mắc, nghi mắc viêm da nổi cục tại 163 hộ chăn nuôi thuộc 64 xóm, tổ dân phố ở 10/10 xã, phường. Số gia súc phải tiêu hủy là 19 con, trong đó có 3 con bò và 16 con bê với tổng trọng lượng gần 2.400kg. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp 350 liều vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò; 750 lít hóa chất và 30kg Vibazone để triển khai tiêm phòng, bao vây ổ dịch; UBND thành phố cũng cấp cho các xã, phường 160 lít hóa chất để diệt muỗi, ruồi… tại khu vực chuồng chăn nuôi và bãi chăn thả nhằm tiêu diệt các vật trung gian lây bệnh.
Để hạn chế thấp nhất dịch viêm da nổi cục trâu, bò và lở mồm long móng lây lan, bên cạnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, T.P Sông Công đã đăng ký với tỉnh cấp thêm 3.000 liều vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò. Đối với dịch lở mồm long móng, thành phố cũng tích cực tuyên truyền về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt tình hình; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, phường tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; hướng dẫn các hộ dân vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi… kiên quyết không để dịch chồng dịch.