Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, từ ngày 1/4/2019, các huyện, thành, thị trong tỉnh đã thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông. Việc sáp nhập này đã góp phần giảm đầu mối và chi phí hoạt động, tiết kiệm ngân sách trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ của ngành chăn nuôi, thú y.
Tổ mạng lưới thú y xã Phú Cường (Đại Từ) hiện có 3 thành viên, gồm, Trưởng thú y và 2 thú y viên. Trao đổi với chúng tôi về hoạt động của tổ, anh Nông Đình Quyền, thành viên tổ mạng lưới thú y xã chia sẻ: Mặc dù công việc vất vả, phụ cấp chỉ được hưởng hệ số 0,3 so với mức lương tối thiểu nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi đàn vật nuôi trong xã xảy ra dịch bệnh, chúng tôi sẵn sàng đến tận nơi để kiểm tra, xử lý không quản ngày đêm. Để nâng cao hiệu quả công việc, tôi đã đăng ký tham gia học lớp trung cấp chăn nuôi thú y. Thế nhưng, từ ngày 1/4/2019 đến nay, chúng tôi không còn được hưởng phụ cấp, hơn nữa công việc còn vất vả hơn do các loại dịch bệnh phức tạp xuất hiện dày đặc như: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò… Nếu tình trạng này kéo dài, tôi cũng băn khoăn về việc gắn bó lâu dài với công việc.
Băn khoăn của anh Quyền cũng là nỗi niềm của hơn 330 cán bộ mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, từ năm 1998 đến tháng 4-2019, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại Thái Nguyên được duy trì theo 3 cấp, gồm: Chi cục Thú y (từ ngày 12/4/2016 bổ sung nhiệm vụ chăn nuôi) trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Trạm Thú y các huyện, thành, thị trực thuộc Chi cục và mạng lưới thú y viên cơ sở do Trạm Thú y cấp huyện quản lý, hướng dẫn về chuyên môn. Từ ngày 1/4/2019, toàn tỉnh thực hiện sáp nhập các Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Các Trung tâm này không có cơ chế, chính sách đối với mạng lưới thú y cơ sở. Do vậy, khi đến đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi thường xảy ra tình trạng thiếu nhân lực, không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm bùng phát, lây lan dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực thú y cấp huyện được giao cho phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế các huyện, thành, thị. Tuy nhiên, cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực này còn ít, công việc kiêm nhiệm nhiều nên công tác tham mưu chuyên sâu về lĩnh vực thú y, chăn nuôi còn hạn chế. Đối với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp có cán bộ chuyên môn nhưng lại không có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này nên cũng khó thực hiện các nhiệm vụ về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y…
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Với mô hình sáp nhập mới, ngành Thú y chỉ còn 2 cấp là Trung ương và tỉnh, trong khi Luật Thú y quy định cần có 4 cấp, từ Trung ương đến cấp xã. Do vậy, qua thực tiễn hoạt động, mô hình sáp nhập hệ thống thú y của tỉnh đã phát sinh một số bất cập về: Công tác giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh bị chậm; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không kịp thời; thiếu nhân lực chuyên môn thú y để tham mưu, tổ chức phòng dịch... Trước thực trạng trên, chúng tôi đã đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương kiện toàn lại hệ thống thú y nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu xây dựng Đề án kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 12-2021. Nếu được thông qua, Đề án sẽ góp phần kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý chuyên ngành thú y toàn tỉnh, góp phần bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.