Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất dưới tán rừng. Qua đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần phát triển rừng ngày càng bền vững.
Đi cùng cán bộ xã Hợp Thành, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong mật dưới tán rừng của gia đình ông Đinh Sỹ An, xóm Khuân Lân. Từ năm 2012, gia đình ông An đã cải tạo đất rừng để trồng 2ha keo. Tuy nhiên, do cây keo có chu kỳ sinh trưởng kéo dài, sau 5-7 năm mới được thu hoạch nên rong suốt thời gian đó, gia đình ông không có thu nhập thường xuyên. Năm 2018, sau khi tham gia dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền trung Tây Nguyên”, ông An đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong mật dưới tán rừng keo. Ông cho biết: Riêng năm 2020, trung bình mỗi lứa, tôi thu được hơn 150 lít mật. Doanh thu từ việc bán mật ong đạt trên 40 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập này, tôi đã có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình, đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà…
Ngoài phát triển nuôi ong, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương đã tận dụng bóng mát của những tán rừng để trồng cây dược liệu. Đơn cử như mô hình trồng cây lá khôi của gia đình ông Hoàng Văn Học, xóm Đồng Nghè 2, xã Động Đạt. Ông Học chia sẻ: Năm 2017, sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định trồng khoảng 3.000 cây lá khôi. Đây là loại dược liệu quý, được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị các bệnh về tiêu hóa, da liễu, dị ứng… Trung bình mỗi năm, cây cho thu hoạch 3 lứa, với khối lượng đạt từ 0,8 - 1kg lá tươi/lứa/cây, giá bán ra dao động từ 70 - 100 nghìn đồng/kg. Nhờ điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp lại tận dụng được bóng mát của tán rừng keo, sau gần 6 tháng trồng, cây lá khôi đã sinh trưởng và cho năng suất tốt.
Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có hàng trăm mô hình sản xuất dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây dược liệu, chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn rừng, nuôi ong lấy mật... Theo thống kê sơ bộ, đến nay, toàn huyện có 711 hộ nuôi ong (tăng 39 hộ so với năm 2019), sản lượng mật ong năm 2020 đạt gần 94.000 tấn (tăng gần 4.000 tấn so với năm 2019). Trên địa bàn huyện hiện có 22ha cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, tập trung ở một số xã như: Yên Ninh, Yên Trạch, Động Đạt…
Nhằm khuyến khích bà con tận dụng tối đa tiềm năng từ đất rừng, thời gian qua, huyện Phú Lương đã đề ra một số giải pháp để hỗ trợ, vận động người dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất dưới tán rừng. Nổi bật trong đó là hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thuận lợi cho các hộ dân liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện có 3 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác nuôi ong và 3 hợp tác xã trồng cây dược liệu. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã phối hợp tổ chức dạy nghề nông - lâm nghiệp cho hơn 2.300 lượt người về kỹ thuật nuôi ong lấy mật, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành và lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng. Cụ thể, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ giống cây cà gai leo cho người dân xã Phấn Mễ và Yên Trạch với quy mô 3ha vào năm 2018. Mới đây, vào năm 2020, từ nguồn ngân sách địa phương, huyện hỗ trợ giống các loại cây dược liệu như địa liền, gối hạc, xạ can và phân bón cho người dân với quy mô 2ha...
Đánh giá về hiệu quả của các mô hình sản xuất dưới tán rừng trên địa bàn, ông Ma Tiến Kốp, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói: Tuy các mô hình sản xuất dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và đang có xu hướng tăng nhanh với sự tham gia của ngày càng nhiều hộ dân. Tuy nhiên, các mô hình này chủ yếu tự phát, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ. Để phát huy tốt hiệu quả phát triển kinh tế dưới tán rừng, tận dụng tốt diện tích đất rừng trên địa bàn, thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất dưới tán rừng cho các hộ đăng ký tham gia trồng cây gỗ lớn. Thông qua đó không chỉ giúp các hộ dân có nguồn thu nhập thường xuyên mà còn thúc đẩy đa dạng hóa phương thức sản xuất trên đất rừng, góp phần phát triển diện tích trồng cây gỗ lớn theo hướng bền vững.