Nhằm thúc đẩy chăn nuôi gia cầm, lĩnh vực thế mạnh của địa phương theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện Phú Lương đã triển khai các giải pháp cải tiến phương thức chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Qua đó, góp phần phát triển đàn gia cầm trên địa bàn về cả số lượng và giá trị sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Ly, xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương) chia sẻ: Năm 2017, tôi đầu tư chăn nuôi gần 2.000 con gà. Thời gian đầu, do chưa có kiến thức về chăn nuôi gia cầm nên đàn gà của gia đình phát triển kém, tỷ lệ gà chết cao. Sau này, khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do tỉnh, huyện tổ chức, tôi đã được trang bị đầy đủ kiến thức về cách phòng, chữa trị nhiều loại bệnh trên đàn gà, quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, năm 2020, tôi còn được hỗ trợ 500 con gà giống, thức ăn chăn nuôi theo Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, hoạt động chăn nuôi của gia đình ngày càng phát triển. Hiện, gia đình tôi đang nuôi khoảng 5.000 con theo hình thức khép kín. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 4 lứa gà, mỗi lứa 2.000 con, lợi nhuận thu được đạt khoảng 40 triệu đồng/lứa (tăng khoảng 15-20 triệu đồng so với năm 2017).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong những năm qua, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi là một trong những giải pháp trọng tâm được huyện Phú Lương chú trọng. Trung bình mỗi năm, huyện phối hợp tổ chức trên 20 lớp tập huấn cho trên 1.000 lượt cán bộ chuyên môn, hộ dân về quy định của pháp luật trong chăn nuôi; quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP... Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng lồng ghép các nguồn vốn để triển khai mô hình chăn nuôi gia cầm theo quy trình VietGAP hoặc liên kết theo chuỗi giá trị, như: Phát triển chăn nuôi gà Ai Cập tại xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt; nhân rộng mô hình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chăn nuôi gà thịt thương phẩm có sử dụng thức ăn bổ sung bằng giun quế tại các xã Hợp Thành, Yên Trạch, Yên Đổ, Yên Ninh...
Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, trang trại. Từ đó, giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán, tăng số lượng cơ sở chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Hiện, trên địa bàn huyện có 98 gia trại chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 2.000 con trở lên; 21 trại gà quy mô 10.000 con có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt gà thương phẩm… Đến nay, tổng đàn gia cầm toàn huyện đạt trên 1 triệu con (tăng khoảng 200.000 con so với năm 2015); sản lượng thịt hơi gia cầm tăng bình quân 7,8%/năm; giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi tăng bình quân 8%/năm.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới, ông Ma Tiến Kốp, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng vùng chăn nuôi tập trung; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại... Đặc biệt, vừa qua, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện đưa gà và trứng gà vào danh mục sản phẩm chủ lực của địa phương trong Đề án Phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, tạo tiền đề để phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm...