Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong việc lựa chọn các mặt hàng nông sản có lợi cho sức khỏe, trong đó có sản phẩm chè với quy trình sản xuất thân thiện môi trường . Nhận thức được điều đó, thời gian qua, một số hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển hướng sản xuất chè hữu cơ để bảo vệ sức khỏe bản thân và khách hàng. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con, hướng đến nền nông nghiệp an toàn.
Đến thực tế tại những nương chè của bà con xóm Chính Phú 2, Chính Phú 3, xã Phú Xuyên (Đại Từ), chúng tôi cảm nhận bầu không khí trong lành. Những luống chè thẳng hàng tăm tắp, được tưới bằng hệ thống tưới nước tiết kiệm, búp mọc đều tua tủa trông thật đẹp mắt.
Anh Đỗ Thành Lân, Bí thư Chi bộ xóm Chính Phú 3 phấn khởi nói: Bắt đầu từ năm 2020, bà con chúng tôi triển khai sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Cái được lớn nhất đó là môi trường đã dần được cải thiện. Nếu như trước đây, hầu như ngày nào cũng có nhà phun thuốc trừ sâu khiến không khí nồng nặc mùi thuốc, phải đóng kín cửa để tránh hít phải khí độc thì nay đã không còn tình trạng này. Ngoài ra, phân chuồng cũng được chúng tôi ủ hoai mục rồi mới bón cho cây chè chứ không vãi trực tiếp nên không còn ruồi nhặng bậu gây ô nhiễm. Bà con cũng không sử dụng thuốc trừ cỏ mà dùng máy cắt cỏ.
Hợp tác xã Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) chế biến chè hữu cơ.
Còn chị Đào Thị Thoi, Tổ trưởng tổ sản xuất chè hữu cơ Chính Phú thì hào hứng: Hiện nay, chúng tôi có 22 thành viên, tham gia sản xuất chè hữu cơ với diện tích 5ha. Thời gian đầu, chè bị sâu bệnh nhiều nên sản lượng sụt giảm tới 70%, chất lượng và giá bán cũng giảm khiến bà con chán nản. Vì thế, chúng tôi vừa làm vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con. Dần dà, sau hơn 1 năm, cây chè bắt đầu hồi phục và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Cụ thể, mặc dù sản lượng chè hiện chỉ đạt 60-70% so với trước đây nhưng giá bán đã tăng lên từ 200 lên 400 nghìn đồng/kg, thậm chí có nhà bán với giá 500 nghìn đồng/kg và được đông đảo khách hàng ưa chuộng.
Rời Phú Xuyên, xuôi về vùng chè Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), chúng tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi trong tư duy sản xuất chè của bà con nơi đây. Chị Phạm Thị Thủy, thành viên Hợp tác xã Chè Thủy Thuật chia sẻ: Chúng tôi hiện sản xuất 5ha chè theo hướng hữu cơ. So với làm chè thông thường thì sản xuất chè hữu cơ vất vả hơn, mất nhiều công lao động hơn và chi phí cũng cao hơn. Chẳng hạn, trong khâu chăm sóc, nếu bón phân hóa học thì chỉ cần vãi đạm, lân xuống gốc rồi tưới nước là cây chè sẽ lên xanh tốt. Nhưng đối với chè hữu cơ, chúng tôi phải cuốc hố để bón phân chuồng hoai mục. Ngoài ra, để chè có độ béo, độ ngọt, ngậy, thơm, nhà tôi còn bón thêm phân cá và đỗ tương.
Ngoài 2 địa phương nói trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Khe Cốc 2, xã Tức Tranh (Phú Lương); Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn và Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ La Cút, xã La Bằng (Đại Từ) với tổng diện tích hơn 60ha. Để hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, thời gian qua, tỉnh cũng đã có chính sách khuyến khích bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất thâm canh chè, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM và đánh giá duy trì chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
Anh Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên: Thời gian chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ theo quy định từ 18-36 tháng và phụ thuộc vào lịch sử canh tác, quá trình trồng, chăm sóc và kết quả phân tích mẫu định kỳ 12 tháng/lần. Nhưng đổi lại, người dân sẽ được nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường sinh thái. Vì vậy, bà con cần kiên trì tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ. |
Anh Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được lợi ích của sản xuất chè hữu cơ và hỗ trợ khắc phục các điểm chưa phù hợp từ khâu kiểm soát vật từ đầu vào, kiểm soát ô nhiễm vùng sản xuất, ghi chép nhật ký nông hộ, cập nhập hồ sơ quản lý. Ngoài ra, bà con còn được Nhà nước hỗ trợ 40% vật tư, gồm: Phân bón vi sinh; chế phẩm sinh học; bao bì đựng sản phẩm… Kết quả, sau gần 2 năm chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ, môi trường sinh thái ở các nương chè bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt, không khí trong lành hơn vì không có thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ độc hại. Cây chè khỏe hơn, phiến lá dày hơn, búp chè mập và non lâu, khi chế biến có độ dính cao. Khi pha màu nước xanh trong, sóng sánh, vị ngọt hậu, giá bán cũng tăng.
Thái Nguyên hiện là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với 22.500ha; năng suất ước đạt 119 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 230 nghìn tấn. Chè được xác định là cây trồng chủ lực có tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh với trên 91.000 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh chè, chiếm gần 50% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích chè hữu cơ còn khiêm tốn trong khi hiệu quả mà phương thức sản xuất mới này mang lại rất rõ rệt. Chính vì vậy, bà con mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước trong việc hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, quy hoạch các vùng sản xuất chè hữu cơ tập trung với chất lượng ổn định để hướng tới xuất khẩu bền vững.