Tăng cường giám sát việc tiêu hủy gia súc mắc bệnh

10:28, 27/05/2021

Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp với trên 2.500 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, thuộc 137 xã, phường, thị trấn ở 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Trước tình hình trên, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cũng đang phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ số trâu, bò mắc bệnh và giám sát việc tổ chức tiêu hủy nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, giữ vệ sinh môi trường và không làm phát tán mầm bệnh.

Gia đình bà Đặng Thị Vân, ở xóm Đồi, xã Nam Tiến (T.X Phổ Yên) có 1 con bê bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục bị chết, buộc phải tiêu hủy. Để đảm bảo an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh, sau khi báo cáo cán bộ thú y, gia đình bà đã đào hố chôn lấp tại vườn nhà. Cùng với đó, bà Vân cũng áp dụng các biện pháp theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn như: Đào hố sâu, rắc vôi bột và lót nilon.

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp xử lý trâu, bò mắc bệnh phải tiêu hủy trên địa bàn, ông Hoàng Công Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.X Phổ Yên cho biết: Tính đến ngày 26-5, toàn thị xã có trên 200 con trâu, bò ở 12 xã, phường, thị trấn bị nhiễm bệnh. Trong đó, có 66 con với tổng trọng lượng hơn 7,2 tấn phải tiêu hủy. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ các hộ chăn nuôi, chúng tôi đã báo cáo với cấp trên, đồng thời phối hợp lấy mẫu xét nghiệm, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tiếp nhận vôi bột và hóa chất để cấp phát cho các hộ chăn nuôi khử khuẩn chuồng trại để phòng dịch bệnh. Đối với những trường hợp phải tiêu hủy, Trung tâm cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương giám sát đảm bảo thực hiện quy trình theo đúng quy định. Cụ thể, về địa điểm tiêu hủy phải xa nguồn nước, được đào sâu và lót nilon, rắc vôi bột, thuốc khử trùng…

Đối với huyện Phú Bình, đến nay, tổng số gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục là gần 400 con, huyện đã tiến hành tiêu hủy 190 con trâu, bò mắc bệnh với trọng lượng trên 25 tấn. Theo bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp theo dõi, hướng dẫn lập hồ sơ tiêu hủy theo đúng quy định. Đồng thời, giám sát các quy trình: Đào hố, rắc vôi bột, bao gói không làm vương vãi lông, nước tiểu của vật nuôi. Các xã, thị trấn lựa chọn địa điểm hố chôn. Do số lượng đàn trâu, bò phải tiêu hủy không nhiều nên đa phần bà con tận dụng diện tích vườn đồi, vườn cây ăn quả của gia đình để chôn lấp.

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, tính đến ngày 24-5, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã xảy ra tại hơn 1.700 hộ, với trên 2.500 con mắc bệnh. Trong đó, có 492 con chết với trọng lượng tiêu hủy là 62,6 tấn, hơn 860 con đã khỏi. Hiện toàn tỉnh còn trên 1.200 con trâu, bò mắc bệnh. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, các ổ dịch viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế. Toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng được 59.000 liều vắc-xin, đạt gần 70% tổng đàn gia súc. Đặc biệt, trong tuần vừa qua, số trâu, bò mắc bệnh giảm đáng kể (trung bình 1-2 con/ngày), số trâu, bò mắc bệnh điều trị khỏi triệu chứng cũng tăng lên (đạt tỷ lệ 45% số trâu, bò điều trị). Tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch bệnh trong cả nước còn phức tạp, công tác quản lý việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ trâu, bò còn khó khăn; vẫn còn một số trâu, bò không trong diện tiêm (bê, nghé non, trâu, bò chửa kỳ cuối). Do vậy, trong thời gian tới, các hộ chăn nuôi cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh; đồng thời, chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, nhất là trong mùa nắng nóng.  

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản thông tin: Cùng với việc kiểm tra, giám sát công tác tiêu hủy, khoanh vùng dập dịch, Chi cục cũng đã kịp thời có văn bản hướng dẫn quy trình tiêu hủy đối với trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Đối với số gia súc mắc bệnh đã được thực hiện cách ly, chúng tôi đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng bán chạy trâu, bò. Còn đối với số lượng gia súc chết do mắc bệnh đều được xử lý triệt để, không có tình trạng vứt xác trâu, bò chết ra môi trường.