Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lũ thường xảy ra với tần suất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao gây ảnh hưởng đến sự an toàn của các hồ chứa. Trước tình hình trên, ngành chức năng và các đơn vị quản lý, khai thác công trình đã chủ động kiểm tra, sửa chữa các hồ, đập bị xuống cấp và xây dựng phương án ứng phó trong mùa mưa bão.
Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 120ha lúa và hoa màu của bà con, hồ Đồng Cẩu ở xóm Đồng Cẩu, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) còn có chức năng điều tiết và thoát lũ. Thời điểm này, các chỉ số của hồ đều cơ bản đạt tốt, như: Mái đập không bị rò rỉ quá mức giới hạn cho phép; cửa tràn thông thoáng, đảm bảo thoát lũ; van điều tiết nước vận hành tốt… Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Văn Chiến, Cụm Trưởng cụm quản lý hồ Đồng Cẩu chia sẻ: Trong những ngày mưa bão, 100% quân số của đơn vị trực 24/24h để vớt rác tại cửa tràn xả lũ, đo mực nước hồ và báo cáo 1 giờ/lần; vận hành van điều tiết để thoát lũ; kiểm tra tình trạng thân đập để đảm bảo công trình vận hành an toàn.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 260 hồ chứa, 529 đập ngăn nước. Trong đó, 90 hồ chứa lớn và 120 đập dâng do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên vận hành, khai thác, còn lại do các địa phương quản lý. Vào thời điểm trước mùa mưa bão, các đơn vị đều tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng hồ, đập. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đập, hồ chứa đều hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một số hồ, đập đã bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Cụ thể, hồ Thâm Quang, xã Hợp Thành (Phú Lương) không có tràn xả lũ, hệ thống cống điều tiết bị rò rỉ; hồ Núi Mủn, xã Cổ Lũng (Phú Lương) bờ đập đã bị xuống cấp, có hiện tượng sụt lún, rò rỉ nước qua thân đập, hệ thống tràn xả lũ chưa được kiên cố. Còn hồ Khuôn Nanh, xã Yên Lãng (Đại Từ) có mái thượng lưu là mái đất bị xói lở, trượt sạt, mái hạ lưu bị thấm tại phần tiếp giáp với đống đá tiêu nước; hồ Cây Nhừ, xã Phú Lạc (Đại Từ), mái hạ lưu xuất hiện vết sạt dài 30m theo chiều cắt dọc thân đập. Hay tại hồ Bản Piềng, hồ Bó Vàng, xã Thanh Định (Định Hóa), tràn xả lũ đã bị sạt lở, không đảm bảo thoát lũ. Hồ Đồng Đình, xã Bảo Lý (Định Hóa) có 2 cống đã bị rò rỉ không đảm bảo trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; đập Quyết Tiến, xã Tân Kim (Phú Bình), mái thượng lưu, mái hạ lưu sạt lở không đảm bảo tích nước, điều tiết dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Thực tế, các hồ bị xuống cấp chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp. Vì vậy, để đảm bảo an toàn hồ, đập, cùng với việc phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình, Công ty còn xây dựng kế hoạch trình các cấp, ngành liên quan phê duyệt phương án đầu tư, sửa chữa các công trình này trong thời gian tới. Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi cũng đã và đang duy tu một số hạng mục đã bị xuống cấp như: Sửa chữa bể tiêu năng sau van xả hồ Gò Miếu, xã Ký Phú (Đại Từ); lát đá mái thượng lưu, hạ lưu và sửa cống lấy nước hồ Đầm Chiễu, xã Phú Thịnh (Đại Từ); sửa chữa tràn xả lũ, đập đất hồ Hố Chuối, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ)...
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi: Trong mùa mưa bão, Chi cục tiếp tục phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi thường xuyên kiểm tra các hồ, đập; theo dõi diễn biến thời tiết và hạ thấp mực nước hồ khi cần thiết để có dung tích phòng lũ. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý cập nhật, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của từng hồ chứa nhằm sẵn sàng xử lý, ứng phó khi có tình huống xảy ra.