Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc lưu thông của người và phương tiện gặp khó khăn nên đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ một số loại nông sản. Trong đó có sản phẩm củ đậu của người dân huyện Đại Từ.
Những ngày gần đây, gia đình ông Trần Văn Hòa, ở xóm Soi, xã Ký Phú “đứng ngồi không yên” bởi trên 10 sào củ đậu đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến thu mua. Ông Hòa cho hay: Những năm trước, vào thời điểm này, chúng tôi đã thu hoạch xong hết củ đậu để chuẩn bị đất trồng cây vụ mùa. Nhưng năm nay, bà con mới chỉ thu hoạch được 1/3 diện tích. Củ đậu sau khi nhổ lên nếu không bán sớm sẽ héo quắt lại, hao cân, càng thêm thua lỗ nên chúng tôi chỉ dám thu hoạch cầm chừng, bán được đến đâu nhổ củ lên đến đó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Ký Phú hiện là địa phương có diện tích trồng củ đậu lớn nhất của huyện Đại Từ với tổng diện tích canh tác trên 20ha. Dù đang là thời điểm thu hoạch rộ củ đậu song hiện người dân chỉ mới thu khoảng 40% diện tích do sản phẩm khó tiêu thụ. Ngoài thời gian thu hoạch bị kéo dài, giá thu mua cũng xuống thấp, chỉ còn khoảng 3.000-3.800 đồng/kg, giảm một nửa so với năm 2020. Bà Nguyễn Thị Nhì, ở xóm Soi nhẩm tính: Giá thu mua thấp, mỗi tấn củ đậu, thương lái lại trừ 1,8 tạ lá và cuộng. Vì vậy, với giá chưa tới 3.000 đồng/kg, chúng tôi chỉ đủ tiền giống, phân bón trong suốt 4 tháng chăm cây. Bên cạnh đó, năm nay, thương lái cũng yêu cầu khắt khe hơn, chỉ chọn những củ to, tròn đều, còn lại họ đều không thu mua.
Trung bình mỗi năm, huyện Đại Từ gieo trồng khoảng 100ha củ đậu trong 2 vụ với sản lượng gần 10.000 tấn. Đây là cây trồng đã được người dân địa phương đưa vào thâm canh từ lâu bởi hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa. Cây củ đậu đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở các xã Ký Phú, Bản Ngoại, Văn Yên, Vạn Thọ… Theo những hộ trồng củ đậu lâu năm ở huyện Đại Từ, nguyên nhân khiến lượng củ đậu được tiêu thụ năm nay giảm rõ rệt là bởi việc tiêu thụ loại nông sản này phụ thuộc vào các thương lái cung ứng cho những bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang. Vì vậy, khi dịch COVID-19 diễn ra tại địa phương này đã dẫn tới nguồn tiêu thụ củ đậu giảm mạnh, việc lưu thông hàng hóa cũng gặp khó khăn nên ít có thương lái thu mua. Theo tính toán, năm nay, mỗi sào củ đậu cho thu khoảng 3 tấn củ, tăng từ 1-1,2 tấn củ/sào. Trước đây, mỗi sào củ đậu đem lại thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/sào thì nay chỉ còn khoảng 4-5 triệu đồng/sào. Nhiều người dân chấp nhận bán lỗ, thậm chí một số bà con đã nghĩ đến việc sẽ cày lẫn củ đậu quá lứa làm phân bón cho vụ tới.
Không giống như nhiều loại nông sản khác, củ đậu không thể để ngoài đồng hoặc bảo quản được lâu dài. Theo các hộ dân, hiện củ đậu đã quá thời điểm thu hoạch từ 7-10 ngày, nếu để lâu hơn trong đất, củ đậu sẽ bị nhạt, bấc, không đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, người dân đang cần sớm thu hoạch nông sản để chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ mùa, đảm bảo đúng khung thời vụ. Chính bởi vậy, mong muốn sớm được định hướng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản là nguyện vọng chung của người dân trồng củ đậu trên địa bàn huyện Đại Từ hiện nay. Trước mắt, một số địa phương trồng củ đậu đã đề nghị hội nông dân các cấp và các tổ chức đoàn thể khác có hình thức vận động đoàn viên, hội viên đăng ký mua giúp củ đậu như một số nông sản khác đã được “giải cứu” trong thời gian gần đây.