Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể phải tạm dừng hoặc giảm công suất hoạt động. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Anh Miêu Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chia sẻ: Với tổng diện tích sản xuất là 5ha, chúng tôi hiện có các sản phẩm đang cho thu hoạch như: Dưa chuột, dưa lê, rau ngót, rau bò khai, măng tây… Tuy vậy, từ khoảng cuối tháng 4 đến nay, việc tiêu thụ nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn, giá cũng bị giảm nhiều do dịch COVID-19. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, doanh thu của HTX mới chỉ đạt trên 50 triệu đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, đối với Công ty TNHH Trà Tuất Thoi, ở xóm Chính Phú 2, xã Phú Xuyên (Đại Từ), bà Đào Thị Thoi, Giám đốc Công ty chia sẻ: Trước kia, trung bình mỗi tháng, chúng tôi xuất bán từ 3-4 tấn chè búp khô nhưng từ khi nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, HTX chỉ bán được 2 tấn/tháng, giá chè cũng giảm từ hơn 200 nghìn đồng/kg xuống còn 100 nghìn đồng/kg.
Thực tế, không chỉ riêng 2 đơn vị nói trên mà hầu hết các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và bà con nông dân đều đang gặp khó trong tiêu thụ nông sản do dịch COVID-19. Trong vụ mùa năm nay, diện tích gieo trồng các loại rau toàn tỉnh đạt khoảng 3.600ha, sản lượng ước đạt trên 59 nghìn tấn. Diện tích chè đang phát triển, cho thu hái búp là hơn 19.700ha, sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm ước đạt trên 125 nghìn tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 14.600ha vải, nhãn; trong đó, diện tích vải đang cho thu hoạch với sản lượng ước đạt gần 3.900 tấn quả và nhãn dự kiến cho thu hoạch vào tháng 9 với sản lượng dự ước 5.500 tấn quả. Thông thường, các sản phẩm này sẽ được tiêu thụ tại các chợ, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ chậm hơn và khâu vận chuyển, lưu thông sang các tỉnh bạn cũng gặp nhiều khó khăn.
Để chủ động ứng phó, các doanh nghiệp, HTX đã tiến hành cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giao thương bằng hình thức bán hàng trực tuyến. Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp cũng đang phối hợp cùng các đơn vị chức năng tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân. Cụ thể, Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã tăng cường đưa các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh như: Chè, nấm, mỳ gạo… lên sàn thương mại điện tử http://thainguyentrade.gov.vn để quảng bá, tăng cường kết nối, tiêu thụ nông sản an toàn. Đối với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã hỗ trợ, cấp xác nhận cho 5 chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn...
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Trước mắt, Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, quảng bá nông sản an toàn; vận động người dân trong tỉnh chung tay tiêu thụ nông sản Thái Nguyên. Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để học hỏi, hợp tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị các trung tâm thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của bà con Thái Nguyên. Đồng thời, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.